Duyên dáng cầu Thê Húc
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:33, 14/08/2020
Sau khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư Pháp nên cổng đền lúc nào cũng có đám lính Pháp gác ngày đêm. Họ không cho dân chúng Hà Nội vào cúng lễ. Trước cảnh ngang trái ấy, Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh), học trò Trường Đại tập Liên Đình đã nảy ra ý định đốt cầu để cảnh cáo thực dân Pháp xúc phạm cõi tâm linh. Khoảng nửa đêm cuối đông năm 1887, Hai Minh và Hai Nguyên mới 14 tuổi mang theo thúng giẻ, giấy bản và bấc tẩm dầu lặng lẽ lên cầu. Lúc đó lính canh đã rút hết vào trong đền và đóng cửa. Hai anh em nhét giẻ, giấy bản và bấc vào khe ván rồi tưới dầu cặn lên mặt cầu, sau đó rải than hoa đang cháy lên đó. Xong việc, cả hai nhanh chóng về nhà ở phố Hàng Dầu. Lửa bùng lên rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn, cả chiếc cầu cháy đùng đùng...
Năm 1888, Thê Húc được làm mới thành và mặt cầu. Cầu mới mô phỏng cầu cũ có dáng uốn cong như cầu vồng. Tết Nhâm Thìn 1952, người đi lễ đền quá đông khiến cầu Thê Húc bị sập. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế. Trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908 - 1999) được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn và làm cầu nổi hơn. Cầu giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu vẫn bằng gỗ.
Cho đến hôm nay và cả mai sau, Thê Húc luôn là một thứ trang sức quý giá của hồ Hoàn Kiếm.