"Tái sinh" từ sự lựa chọn cao cả
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:17, 15/08/2020
Chiến sĩ công an Chí Phong đã mãi mãi ra đi, không bao giờ trở về với Thư, trở về với đồng đội... Nhưng cũng bắt đầu từ sự lựa chọn cao cả này mà người chiến sĩ ấy tiếp tục được tái sinh...
Vở kịch “Tái sinh” xuất sắc giành Huy chương Vàng Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ IV. Ảnh: HT.
Vở kịch “Tái sinh” do giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội biểu diễn vừa xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ IV năm 2020. Không chỉ thế, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai còn giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, cùng hai Huy chương Vàng, ba Huy chương Bạc cá nhân cho nghệ sĩ.
Có thể nói, để gặt hái được thành công ấy, vở kịch “Tái sinh” đã có cách kể khá hiện đại, tươi mới về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Ở vở kịch này, khán giả vẫn gặp câu chuyện phá án ma túy, nhưng không phải là những cảnh, những lớp diễn đi sâu vào nghiệp vụ với những dàn cảnh đấu tranh vây ráp, đuổi bắt tội phạm. Khán giả vẫn thấy những vũ trường, quán bar được tái hiện với đôi ba lát cắt của những trò chơi thác loạn; vẫn được bước vào một gia đình doanh nhân thành đạt luôn bảo bọc cho con cái từ A đến Z; vẫn lâng lâng với giây phút yêu đương lãng mạn... Nhưng tất cả chỉ là cái cớ để gợi mở những góc nhìn về vấn đề lựa chọn con đường tương lai không chỉ của những người chiến sĩ công an mà còn là của thế hệ trẻ hôm nay.
Vở kịch được mở ra với không gian vũ trường - một chốn vui chơi tiềm ẩn những thuốc lắc, ma túy của giới trẻ và được bảo kê vững chắc bởi những “cậu giời” như Anh Khoa luôn “tự tin” vi phạm pháp luật. Cũng vì, Anh Khoa cho rằng anh ta có bố là doanh nhân thành đạt và là bạn chí cốt với giám đốc công an thành phố (ông Đương), có em rể tương lai (Chí Phong) đang công tác trong ngành công an. Thậm chí chính anh ta cũng được lên kế hoạch trở thành con rể của giám đốc công an thành phố.
Vậy nên, sự lựa chọn được đặt ra ở đây đối với những người chiến sĩ công an, từ người đã có vị trí cao như ông Đương đến những người đang phơi phới khát vọng tuổi trẻ như Chí Phong. Đấy là, nên đồng lõa bắt tay với tội phạm hay quyết tâm đấu tranh để giữ được tình bạn chí cốt, tình yêu mặn nồng, nhiệm vụ sinh tử...? Thực ra, ai cũng đều có quyền lựa chọn “có” hay “không”. Nếu là “có” thì sẽ “mũ ni che tai” để mặc tội phạm gieo rắc những cái chết trắng cho toàn xã hội nhưng đồng nghĩa với đó, tình yêu và tiền tài của cá nhân họ sẽ được bảo toàn. Trái lại, nếu chọn “không” thì sẽ phải gặp biết bao hiểm nguy khi bị đe dọa trắng tay từ tình yêu cho đến sự nghiệp, thậm chí là cả mạng sống.
Dẫu vậy, những người chiến sĩ công an, đặc biệt là những người chiến sĩ trẻ vẫn quyết tâm lựa chọn cho mình con đường chông gai để mang lại sự bình yên cho xã hội. Vì vậy, “Tái sinh” vẫn viết tiếp bài ca về người chiến sĩ công an nhân dân với một Chí Phong - người chiến sĩ công an kinh tế dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bản lĩnh chiến đấu với tội phạm luôn vững vàng, không hề nao núng. Một ông Đương - người đứng đầu cơ quan công an thành phố luôn là người thủ trưởng, người thầy được đồng nghiệp và thế hệ sau kính nể. Và cả bóng hình những người chiến sĩ công an ở nhiều vị trí khác nhau: cảnh vệ, mật vụ, quân y... luôn tận tụy trong công việc mà cũng rất đỗi ấm áp, ân tình với đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Nhưng “Tái sinh” có điều khác biệt khi bài ca ấy không phải là những tung hô xuôi chiều mà luôn luôn là sự đấu tranh từ chính tư tưởng, nội tâm của mỗi người: “có” hay “không” trước những cám dỗ của cuộc đời. Có thể nói, cuộc đấu tranh này chưa khi nào dễ dàng và không phải ai cũng có thể đi đến đích, nhưng đó chỉ là số ít. Bao thế hệ những người chiến sĩ công an hôm qua, hôm nay và mai sau vẫn luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để ngăn chặn, đấu tranh với cái ác, cái xấu. Có thể họ hy sinh ngay khi còn ở tuổi thanh xuân nhưng tinh thần thép cùng lòng dũng cảm của họ sẽ chẳng bao giờ mất đi vì luôn được tái sinh từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Được dàn dựng từ kịch bản “Ngọn gió trong đêm” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng và dù không có tiếng súng vang lên nhưng “Tái sinh” vẫn đủ sức tạo ra sự gay cấn khi được đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng bằng phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh mạnh. NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ rằng, thông qua các thủ pháp nghệ thuật, vở diễn luôn cố gắng tránh những hô hào, lên gân mà vẫn khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. “Cùng với đó, “Tái sinh” hướng sang vấn đề con người, xoáy vào tình đồng chí - đồng đội, tình cha con, tình yêu - tình bạn, tình người… Đặc biệt, vở diễn còn hướng sang quan điểm về giới trẻ - kể cả được đặt vào môi trường tốt chưa chắc đã trở thành người tốt. Điều cần hơn cả là sự theo sát của gia đình, của cha mẹ với con cái, của nền giáo dục đối với từng cá nhân” - đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai trăn trở.