Cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vào sáng ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), đồng thời là dịp để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình tượng Người - vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập phong phú của Bảo tàng, được thể hiện qua nhiều loại hình và chất liệu như sơn dầu, sơn mài, bột màu, khắc gỗ, trổ giấy, điêu khắc, in lưới… do các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân trong và ngoài nước sáng tác. Không chỉ tái hiện hình ảnh Hồ Chí Minh với tư cách là nhà cách mạng, lãnh tụ vĩ đại, triển lãm còn thể hiện tình cảm chân thành, sự ngưỡng mộ sâu sắc của nghệ sĩ dành cho Người.

Các tác phẩm giúp người xem dễ dàng cảm nhận những lát cắt tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động cách mạng và phong cách sống của Bác. Ở nhóm chủ đề Bác Hồ thời kỳ hoạt động cách mạng, nổi bật có tác phẩm "Hồ Chủ tịch làm việc tại Việt Bắc" (chì, 1948) của họa sĩ Phan Kế tái hiện hình ảnh Bác tại chiến khu Việt Bắc giữa thời kỳ kháng chiến; bức "Bác Hồ đi chiến dịch" của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (1984) và tác phẩm cùng tên bằng chất liệu điêu khắc đồng của Nguyễn Phú Cường (2018) cũng thể hiện sinh động tinh thần xông pha trận mạc của vị lãnh tụ trong những thời khắc cam go. Đáng chú ý, tác phẩm “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập” (bột màu, 1979) của Nguyễn Dương gợi lại khoảnh khắc thiêng liêng của ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc đời và phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đa dạng qua lăng kính nghệ thuật: từ hình ảnh giản dị trong “Bác Hồ câu cá” (khắc gỗ, 1980) của Nguyễn Nghĩa Duyện, đến cảnh làm việc tại Phủ Chủ tịch được tái hiện trong “Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch” (sơn dầu, 1970) của Lương Xuân Nhị và “Nhà Bác ở Kim Liên – Nghệ An” (màu nước, 1979) của Trần Văn Cẩn. Họa sĩ Nguyễn Văn Bình lại lựa chọn góc nhìn thiêng liêng, lắng đọng trong “Đền thờ Bác Hồ trong rừng nước mũi Cà Mau” (sơn mài 1976).
Nhiều tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm khắc họa sinh động tình cảm giữa Bác và nhân dân, tiêu biểu như “Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc” (sơn dầu, 1967) của Vương Trình, “Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm” (sơn dầu, 1979) của Phạm Lung, “Bác Hồ với nông dân” (sơn mài, 1985) của Vũ Văn Thơ, hay “Bác Hồ với thầy thuốc” (khắc gỗ, 1980) của Nguyễn Trọng Cát,“Ai yêu Bác Hồ hơn chúng em nhi đồng” (trổ giấy, 1971) của Nguyễn Đăng Khiêm và “Cậu Coông học khai tâm” (bột màu, 1971) của Nguyễn Văn Giáo.

Triển lãm "Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình" không chỉ là sự tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là cơ hội quý báu để công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người.
Triển lãm mở cửa từ ngày 16 đến hết ngày 30/5/2025 tại tầng 1, nhà B – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội)./.