Tác giả - tác phẩm

Nhà văn hóa Hữu Ngọc qua đời

Việt Thương 05/05/2025 10:50

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Ngọc, sinh năm 1918 tại phố Hàng Gai, Hà Nội, và quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Với nền tảng học vấn vững vàng và tài năng nghiên cứu xuất sắc, ông được biết đến là một nhà nghiên cứu uyên bác, thông thạo nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp, Anh, Đức, và có khả năng đọc hiểu chữ Hán.

huu-ngoc-enhanced20250504105829.jpg
Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ảnh: FB nhà báo Nguyễn Như Mai.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người được mệnh danh "người nối cầu văn hóa Việt Nam và thế giới" vừa qua đời ở tuổi 107.

Ông qua đời vào tối 2/5/2025, hưởng thọ 107 tuổi. Lễ viếng được tổ chức vào 13h ngày 5/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198, số 58 Trần Bình. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 14h cùng ngày. Thi hài ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ngày 22/12/1918, quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh), nhưng sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ông thông thạo ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, là tác giả của hàng chục đầu sách về văn hóa Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, ông dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt.

Suốt cuộc đời ông được biết đến như một học giả uyên bác, có bút lực dồi dào và kiên trì truyền bá giá trị văn hóa Việt Nam – đặc biệt là văn hóa Hà Nội – đến với bạn bè quốc tế.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã viết và biên soạn trên 30 cuốn sách, trong đó có nhiều tác phẩm về văn hóa Việt Nam và các nước, cụ thể như: Di sản Văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức); Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội (tiếng Anh, tiếng Pháp), 1997; Lãng du trong văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Anh), 2006; Vietnam: Tradition and Change (tiếng Anh), 2017...

Ngoài ra, ông còn dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Truyện cổ Grimm trực tiếp từ tiếng Đức.

Ở tuổi 102 ông đã ra mắt độc giả bộ sách “Cảo thơm lần giở” gồm 2 cuốn, dung lượng gần 1.000 trang. Cuốn sách tập hợp hàng trăm bài viết ông đã công bố, đăng trên chuyên mục “Cảo thơm lần giở” của báo Sức khỏe & Đời sống số Chủ nhật trong hơn 10 năm. Thông qua bộ sách này, độc giả được tìm hiểu và lĩnh hội tư duy của 180 danh nhân thế giới, ở nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, xã hội, lịch sử, tâm lý, chính trị. Tiêu biểu là các danh nhân Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Khổng Tử, Tôn Tử, Hegel, Sokrates, Darwin, Einstein, Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Tagor, Moliere, Leonardo da Vinci, Picasso… và 3 danh nhân Việt Nam là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp của ông là một minh chứng sống động cho vai trò trung gian của giới trí thức trong các nền văn hóa hậu thuộc địa: vừa khẳng định bản sắc, vừa thiết lập kênh đối thoại, không thông qua xung đột mà thông qua thấu hiểu. Trong bối cảnh hiện nay, khi những cuộc va đập giữa chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa ngày càng gay gắt, tư tưởng văn hóa của Hữu Ngọc vẫn giữ nguyên tính thời sự.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc là một kiểu mẫu của trí thức Việt Nam hiện đại: gắn bó với ngôn ngữ mẹ đẻ, am hiểu văn hóa ngoại quốc, viết với tinh thần phổ quát, đối thoại và khai minh. Khi một người như ông ra đi, người ta không chỉ tiếc thương một cá nhân, mà phải tự hỏi: ai sẽ tiếp tục công việc kết nối, giải trình và đối thoại ấy, trong một thời đại mà cả văn hóa bản địa và quốc tế đều đang chuyển hóa không ngừng.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông được trao tặng nhiều huân chương và giải thưởng trong và ngoài nước, bao gồm: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh (Thụy Điển), Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (2017), Giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam, và Giải Mot d’or (Pháp)./.

Việt Thương