Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được bầu 125 đại biểu HĐND sau sáp nhập, tăng 30 đại biểu
Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Dự luật sẽ được trình xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới (dự kiến khai mạc sáng 5-5).

Đáng chú ý, so với luật hiện hành, dự luật mới đã bỏ nội dung liên quan đến HĐND cấp huyện, thị trấn nhằm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự thảo còn sửa đổi số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã theo hướng cao hơn so với hiện hành.
Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Tỉnh không thuộc trường hợp này có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Riêng TP.HCM được bầu 125 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND TP. Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, tức là cũng 125 đại biểu. Hai thành phố đều được phép bầu nhiều hơn 30 đại biểu so với quy định hiện hành.
Lý giải về cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung, Chính phủ quy định tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã bằng mức theo tiêu chuẩn dân số của tỉnh tại nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc này để phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau khi được sáp nhập và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm quyền đại diện của người dân trên địa bàn. Bảo đảm số đại biểu HĐND cấp tỉnh tối đa giữa khu vực miền núi, vùng cao và khu vực đồng bằng, trung du là như nhau. Bảo đảm số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối đa tương đương với số lượng đại biểu HĐND cấp huyện hiện nay, do chính quyền cấp xã phải đảm nhận thêm nhiệm vụ chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp./.