Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
Hàng chục tỉnh thành trong cả nước tham gia triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại TP Huế.

Tối ngày 27/4, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế (số 41A Hùng Vương, quận Thuận Hóa, Thành phố Huế) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND Thành phố Huế tổ chức khai mạc Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”. Đến dự có Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tuấn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Đăng Chương và lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể Thao các tỉnh/thành phố tham gia triển lãm cùng đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Huế.
Quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước và con người Việt Nam
Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam” là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 27/4 - 2/5/2025 với hơn 300 bức ảnh và nhiều hiện vật.
Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam giới thiệu về đất nước con người Việt Nam, những di sản được UNESCO vinh danh như di sản văn hóa thế giới, di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mọi miền cả nước qua những bức ảnh đẹp, nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.
Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay đưa khách tham quan đến những vùng đất một thời là Kinh đô Việt Nam, nơi khắc sâu dấu ấn lịch sử văn hóa từ ngàn đời là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước. Hình ảnh du lịch, di sản văn hóa các vùng kinh đô Việt Nam như Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thành phố Huế và Hà Nội.
Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc của các vùng trên đất nước Việt Nam như văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ với áo dài truyền thống và vải thổ cẩm bằng tơ tằm, không gian gia đình người Kinh xưa ngồi quây quần bên mâm cơm trong gian bếp, một số nghề thủ công truyền thống như in tranh dân gian Đông Hồ, nghề điêu khắc, chạm bạc, chạm đồng… văn hóa vùng thung lũng và núi cao phía Bắc với nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ và cuộc sống hàng ngày của người dân tộc Mông, Dao, Tày, văn hóa các dân tộc miền Trung trưng bày tổ hợp Nhã nhạc cung đình Huế và một số nhạc cụ dùng trong dàn nhã nhạc, văn hóa vùng Nam Bộ trưng bày một số nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử Nam Bộ, tượng phật và bát khất thực, cây bông, lồng bàn đậy lễ vật khi lên chùa và dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer…
Một số tác phẩm điêu khắc trong bộ sưu tập “Trầm tích kinh kỳ” như tác phẩm “Hương sa”, “Cố đô”, “Chiếc nón bài thơ”... của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự được giới thiệu đến công chúng.

Không gian Triển lãm “Lụa Việt Nam và Câu chuyện áo dài” là những câu chuyện về tơ lụa Việt Nam qua những tấm lụa tinh hoa, đa sắc màu, sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.
Trưng bày gốm Việt cổ và không gian văn hóa trà Việt giới thiệu sản phẩm, giao lưu văn hóa trà của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên...
“Du lịch di sản văn hóa và danh thắng”
Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” của 29 tỉnh/thành phố với Hà Giang giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp du lịch thông qua các ấn phẩm, tài liệu, tranh ảnh, tạp chí, ảnh đẹp về du lịch Hà Giang như Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi Cấm Sơn, Đèo Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng cú... các sản phẩm ẩm thực địa phương tiêu biểu của tỉnh Hà Giang thịt lợn gác bếp, mèn mén, xôi ngũ sắc...
Tỉnh Điện Biên giới thiệu những điểm đến được du khách yêu thích, những nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng cùng các sản phẩm du lịch như du lịch lịch sử tâm linh, du lịch cộng đồng, khám phá cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cùng các sản vật và ẩm thực địa phương như măng đắng luộc, xôi nếp nương, gà nướng mắc khén… Vĩnh Phúc ngoài giới thiệu các di sản văn hóa, tập trung giới thiệu nhiều loại hình du lịch đặc sắc của địa phương như du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch thể thao Golf… các sản vật tiêu biểu như cá thính Lập Thạch, ngọn su su Tam Đảo, Bò tái đốt kiến…
Bắc Ninh ngoài trưng bày Triển lãm ảnh đẹp du lịch “Vẻ đẹp Bắc Ninh” và tiểu cảnh không gian làng quan họ với cây đa, giếng nước, mái đình, cầu đá… phục vụ khách thăm quan, chụp ảnh lưu niệm… sản phẩm quà tặng lưu niệm gồm tranh Đông Hồ, sản phẩm chạm khắc gỗ… và Thanh Hóa giới thiệu di tích lịch sử, lễ hội và danh thắng tiêu biểu xứ Thanh như Thành Nhà Hồ, khu Lam Sơn – Lam Kinh, biển Sầm Sơn, vườn quốc gia Bến Én… cùng các sản phẩm du lịch như biển, sinh thái cộng đồng, du lịch tâm, linh… đặc sản địa phương là nem chua, mực khô, cơm lam, cá biển…
Tỉnh Phú Yên mang đến triển lãm các hình ảnh về danh thắng tiêu biểu như gành đá Đĩa, di tích kiến trúc Tháp Nhạn, di tích lịch sử Bến Vũng Rô, Lễ hội cầu ngư… các sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch cộng đồng… cùng các sản vật như mắt cá ngừ đại dương, bánh phu thê, nước mắm… tỉnh Đắk Lắk giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu như Lễ hội Cồng chiêng, Khan (sử thi) của người Ê đê, tập quán tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’Nông, ngữ văn dân gian lời nói vần của người Ê đê… các loại hình du lịch đặc sắc như du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, tâm linh, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã… cùng các đặc sản địa phương như cà phê, ca cao, tiêu…
Thành phố Huế giới thiệu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của Cố đô Huế như Nhã Nhạc Cung đình Huế, Quần thể di tích cố đô Huế, Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế... du lịch văn hóa tâm linh, du lịch tôn giáo tín ngưỡng Huế, du lịch chăm sóc sức khỏe... cùng sản vật tiêu biểu của địa phương như Bún bò Huế, mắm Huế, mè xửng...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Đăng Chương cho biết, triển lãm có sự tham gia của 29 tỉnh/thành trong cả nước và nhiều tổ chức, cá nhân với mong muốn giới thiệu cùng du khách quốc tế, bạn bè trong nước những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền, giới thiệu về tiềm năng du lịch và vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S thân yêu. Đây cũng là dịp để các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.








Trong các ngày diễn ra Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là các chương trình nghệ thuật đặc sắc quy tụ các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành gồm các tiết mục mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền tham gia như chương trình nghệ thuật “Lung linh những sắc màu Di sản”, “Về Miền Hương Ngự”, “Nhịp sống trẻ”, giao lưu nghệ thuật “Việt Nam quê hương tôi”. Đặc biệt, tối ngày 30/4 diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước “Việt Nam vang khúc khải hoàn”…