Hà Nội

Hà Nội vận dụng Luật Thủ đô để người có công được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù

Hoa Quỳnh 28/04/2025 19:19

Xây dựng các văn bản thi hành Luật Thủ đô 2024 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã, đang được Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện quyết liệt thời gian qua. Trong đó, Hà Nội hướng tới ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Thành phố Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Những năm qua, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân đặc biệt người có công với cách mạng luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

bi-thu-hoai.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Theo UBND Thành phố Hà Nội, rà soát danh sách 75.362 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố còn 67.515 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (do một người hưởng nhiều chế độ ưu đãi).

Trong đó, hiện nay đa số người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn trợ cấp ưu đãi, có trên 65% người có công và thân nhân không có lương hưu, 40 % đang sống một mình hoặc sống nhờ sự hỗ trợ của gia đình, dòng họ, trong khi đó chế độ ưu đãi hàng tháng cũng chưa theo kịp với những thay đổi do mức sống chung của xã hội nhất là tại các thành phố lớn có mức sống sinh hoạt cao, mức trợ cấp theo quy định không theo kịp với giá cả thị trường hiện nay như Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Hiện nay, người có công và thân nhân người có công với cách mạng đa số tuổi cao, sức khỏe yếu (trên 90%) cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên; có các trường hợp người có công già yếu neo đơn cần có người chăm sóc hằng ngày; người thường xuyên ốm đau bệnh tật; người không còn khả năng lao động và không có người nuôi dưỡng chăm sóc; người đang nuôi dưỡng người khuyết tật.

Ngoài ra, qua theo dõi các năm gần đây, tỷ lệ giảm tự nhiên (mất do tuổi già, nhiều bệnh tật nền) của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là người có công là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể cao,… Trung bình hằng năm số đối tượng người có công giảm từ 3.000 đến 4.000 người do tuổi cao và từ trần.

Những năm qua, Trung ương nhiều lần điều chỉnh trợ cấp đối với người có công. Một số nhóm đối tượng người có công có mức trợ cấp từ ngân sách nhà nước cao hơn mức sống trung bình của địa phương. Tuy nhiên, đây là những trường hợp hết sức đặc biệt và còn số lượng ít, như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn 54 mẹ (chiếm tỷ lệ 0,07 %), Lão thành cách mạng có 91 người (chiếm tỷ lệ 0,12 %), Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên: 2.941 người chiếm tỷ lệ 3,9 %; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên có 1.967 người chiếm tỷ lệ 2,6% nhưng tuổi trung bình quá cao, mắc bệnh nặng hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể lớn, phải sử dụng thuốc thường xuyên, nên rất khó khăn cũng rất cần sự hỗ trợ của gia đình, xã hội và đặc biệt là Thành phố.

Với độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 tuổi đến 95 tuổi), thì việc có các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là có chính sách hỗ trợ đặc thù hằng tháng của Thành phố cũng giảm bớt khó khăn phần nào đối với người có công. Thực tế với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh thì trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (2025-2035) có thể nói là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng của Thành phố.

Vì vậy, để đảm bảo được tính công bằng trong việc thực hiện các chính sách của Thủ đô Hà Nội, UBND Thành phố đã xây dựng Tờ trình đề nghị HĐND Thành phố khóa XVI tại Kỳ họp thứ 22 (ngày 29/4/2025) ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Thành phố Hà Nội.

hanoi243-56.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao quà cho ông Đặng Văn Tích (huyện Hoài Đức) - người đã tham gia giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Việc UBND Thành phố đề xuất HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Thành phố Hà Nội còn thực hiện Luật Thủ đô 2024. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô quy định HĐND Thành phố quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sau khi đã đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách.

UBND Thành phố đề xuất mức hỗ trợ cụ thể hằng tháng nhằm đảm bảo tính ổn định của chính sách cũng như khả năng cân đối ngân sách đối với người có công và thân nhân người có công là 1.500.000 đồng/người/tháng tương đương trên 0,5 lần mức chuẩn trợ cấp người có công, để người có công và thân nhân có mức trợ cấp sau khi được hỗ trợ của Thành phố là mức trên 3.000.000 đồng/người/tháng, đảm bảo nhóm đối tượng này đạt trên 1 lần mức chuẩn người có công và trong mức thu nhập bình quân đầu người /tháng của hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5/9/2021 về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Đối với một số nhóm đối tượng người có công có mức trợ cấp từ ngân sách nhà nước cao hơn như lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ từ 81% trở lên nhưng tuổi trung bình quá cao, mắc bệnh nặng hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể lớn, phải sử dụng thuốc, nằm viện thường xuyên, nên rất khó khăn cũng rất cần sự hỗ trợ của gia đình, xã hội và đặc biệt là Thành phố, cũng đảm bảo hài hòa và tương đương đối với nhóm đối tượng công chức, viên chức được hưởng chính sách đặc thù của Thành phố theo Luật Thủ đô 2024.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Thành phố Hà Nội là chính sách ưu việt và là đặc thù riêng của Thủ đô để thực hiện chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU; Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; thẩm quyền quyết định các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.

Những chính sách của Nghị quyết phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của thành phố Hà Nội, đảm bảo người có công và thân nhân người có công được nâng dần chất lượng cuộc sống và giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống, nhằm nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình khá của dân cư trên địa bàn thành phố, đồng thời thể hiện sự trân trọng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đối với công lao cống hiến của người có công với cách mạng./.

Được biết, kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của thành phố Hà Nội (dự kiến 67.515 người) là 1.215.270.000 đồng/năm.

Hoa Quỳnh