Tác giả - tác phẩm

"Bản hòa âm của gió": Khúc nhạc chữa lành tâm hồn trẻ thơ

Thanh My 17:38 28/04/2025

Tác phẩm "Bản hòa âm của gió" của tác giả Viên Kiều Nga vừa được NXB Hội Nhà văn phát hành vào tháng 1/2025. Với lối kể mộc mạc, trong trẻo, tác phẩm như một khúc nhạc nhẹ nhàng xoa dịu và chữa lành tâm hồn trẻ thơ.

Ara một cô bé con lai theo bố mẹ trở về Việt Nam sinh sống, mang theo những khác biệt về ngoại hình và giọng nói khiến em trở nên lạc lõng giữa lớp học. Cách nói ngược của cô bé thường tạo ra những tràng cười cho các bạn. Cô thường xuyên bị bắt nạt nhưng không đủ can đảm để lên tiếng. Chính sự chịu đứng đó khiến cô bé trầm cảm và sợ hãi mỗi khi đứng giữa đám đông.

Cuộc sống hiện đại khiến cha mẹ Ara bận rộn không có nhiều thời gian dành cho con. Cô bé gần như khép mình, không chia sẻ với mẹ, chỉ tìm thấy an ủi ở Ity - người bạn thân từ thuở nhỏ có khả năng đặc biệt là bước vào giấc mơ của những người mình yêu thương. Nhưng Ity cũng không bình yên, bởi cậu đang ngày ngày chống chọi với một căn bệnh hiểm nghèo.

"Bản hòa âm của gió": Khúc nhạc chữa lành tâm hồn trẻ thơ.

Không thể chịu đựng thêm sự tổn thương và cô đơn, Ara quyết định bỏ nhà, mang theo chiếc ba lô, tìm về nhà của ông bà ngoại - một bản làng của người dân tộc Tày. Tại đây, em được học cách se lanh, dệt vải, tham gia học việc trong xưởng dệt của anh Bảo - một người trẻ nuôi dưỡng đam mê và khát khao giữ gìn truyền thống.

Thời gian đầu, mẹ Ara phản đối gay gắt quyết định bỏ học của con gái. Trong mắt bà, Ara cần mạnh mẽ như chính bà ngày trước, khi còn là cô bé người Tày từng vượt suối lạnh, băng rừng đến lớp, rồi vươn xa đến những chân trời học vấn mới. Bà không thể chấp nhận việc con gái đầu hàng trước những áp lực học đường. Thế nhưng, khi trở lại quê hương, những hình ảnh thân quen đã khiến mẹ Ara lặng người. Bà nhận ra, dù đã từng cố rời xa mảnh đất này, trái tim bà vẫn gắn bó và không ngừng thương nhớ.

Cuộc sống nơi bản làng từ tốn và ấm áp dần xoa dịu những vết xước trong lòng cô bé. Ara cảm nhận cuộc đời không hề u tối như em từng nghĩ. Em nhận ra dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là dám đối diện với nỗi sợ và vượt qua nó. Cũng giống như anh Bảo vẫn miệt mài mở xưởng dệt để thực hiện ước mơ, như Ity vẫn kiên cường không bỏ cuộc dù cơn đau vẫn dai dẳng hành hạ cậu từng ngày. Ity đã vượt qua được thử thách để trở lại gặp bà, và gặp lại Ara trên cánh đồng lúa chín trong mơ. Hình ảnh cái cây cô đơn giữa đồng lúa như lời nhắc nhở âm thầm với cô bé: Mỗi người trên đời đều phải đối mặt với những thử thách riêng, nếu đủ bền bỉ, ta sẽ cắm rễ sâu, trụ vững giữa bão giông.

Tác phẩm không dựa vào kịch tính hay cao trào để cuốn hút người đọc, mà chạm đến cảm xúc bằng lối kể chuyện trong trẻo, mộc mạc như lời thì thầm của một người bạn thân. Mỗi chương truyện là một lát cắt tinh tế được nhìn qua đôi mắt trẻ thơ, mang giọng văn nhẹ nhàng và gần gũi, gợi nhắc người đọc về những mùa hè ấu thơ, những ngày rong chơi dưới tán cây, và những xúc cảm nhỏ bé nhưng sâu lắng. Không cần hình ảnh lớn lao hay câu chữ hoa mỹ, tác giả chạm vào trái tim người đọc bằng sự giản dị và chân thành.

Viên Kiều Nga khéo léo gửi gắm thông điệp: Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ bé, biết yêu thương những người thân và làm những công việc mình mơ ước. Giữa thế giới đầy thử thách, chỉ cần biết trở về nơi gọi là nhà, trái tim ta sẽ luôn được chữa lành.

Bên cạnh câu chuyện mang tính chữa lành, tác phẩm còn giới thiệu sinh động văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày qua những nét đẹp như tục cúng lúa mới, hội hát Then, nghệ thuật se sợi và dệt thổ cẩm. Những truyền thống ấy không phai nhòa theo năm tháng mà được gìn giữ, truyền lại bởi chính những con người bình dị như ông bà ngoại của Ara, như Bảo. Biết đâu sau này, Ara cũng sẽ quay trở lại nơi đây, tiếp bước họ để thực hiện một ước mơ nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa./.

Thanh My