Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Để di sản xứ Đoài thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Phạm Quỳnh 08:04 28/04/2025

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên nền tảng văn hóa – lịch sử của địa phương. Nhưng để trở thành khu trung tâm CNVH theo quy định đặt ra trong Dự thảo “Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa” của Thành phố Hà Nội xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân gần đây , thị xã Sơn Tây vẫn cần được “tiếp sức” để bứt phá.

Chú trọng khai thác giá trị văn hóa - lịch sử để phát triển CNVH

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, ông Nguyễn Hải Anh - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thị xã Sơn Tây, cho biết, việc Thành phố xây dựng Nghị quyết về phát triển CNVH, khu phát triển thương mại văn hóa để cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

a-phong-14-1-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong dự chương trình Tết Làng Việt xuân Ất Tỵ tại làng cổ Đường Lâm và trò chuyện với các đại sứ cùng dự chương trình. (Ảnh: HQ).

Có thể nói Sơn Tây là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, có bề dày trầm tích lịch sử - văn hóa xứ Đoài được hòa quyện và cộng hưởng cùng các giá trị văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có của vùng đất Sơn Tây “địa linh nhân kiệt”.

Để các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó việc bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững gắn với phát triển các ngành CNVH, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thị ủy Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy; tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát triển CNVH, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”.

anh-tuan-4.jpg
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ - Chính quyền - Nhân dân thị xã Sơn Tây tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924-2024), 555 năm danh xưng “Sơn Tây”, tháng 11/2024. (Ảnh: HQ).

Thị xã Sơn Tây đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách tham gia như: Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hàng năm, tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chương trình Tết Làng Việt, Tết Trung thu Thành cổ, Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, Cuộc thi Hoa hậu Áo dài Di sản Việt Nam, Chương trình Hanoi Concert – Đoài Melody ...

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Anh cho biết thêm, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, …Thị xã có hai điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận gồm Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.

“Năm 2024 du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm đã được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN, giải thưởng Homestay Đông Nam Á, thị xã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì vì đã có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững” – ông Nguyễn Hải Anh thông tin thêm.

xin-chu.jpg
Ông đồ viết thư pháp tại làng cổ Đường Lâm khi Tết đến xuân về. (Ảnh: HQ).

Năm 2023, tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch chiếm 49,8% trong cơ cấu kinh tế của thị xã (tăng 1,2% so với năm 2022); năm 2024, tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch chiếm 52% trong cơ cấu kinh tế của Thị xã. Thị xã đón 1,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước năm 2024 đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã, Thành phố.

Để vùng đất xứ Đoài thành trung tâm CNVH của Thủ đô Hà Nội

Theo ông Nguyễn Hải Anh, trung tâm CNVH không chỉ là một yếu tố thúc đẩy kinh tế mà còn là cầu nối quan trọng giữa di sản văn hóa và phát triển thương mại. Các trung tâm này sẽ giúp quảng bá các sản phẩm văn hóa đặc sắc, tăng cường sự sáng tạo của cá nhân và cộng đồng.

Thị xã Sơn Tây cần khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, khơi thông các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường thuận lợi, an toàn, hấp dẫn để thu hút đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội, nhằm phát huy giá trị đặc thù của trung tâm “Văn hóa xứ Đoài”, của đô thị cổ, đô thị văn hóa lịch sử, cùng với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng của địa phương.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh.

stay-doivien.jpg
Các em học sinh tham quan, trải nghiệm di sản và nhà trường tổ chức kết nạp đội viên mới tại Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh tư liệu).

Để thị xã Sơn Tây hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy định trong Dự thảo “Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH”; Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (thực hiện khoản 7, khoản 8 điều 21 của Luật Thủ đô 2024) của Thành phố đặt ra, thị xã vẫn rất cần được “tiếp sức”, tháo gỡ các “nút thắt”, nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, Thành phố Hà Nội.

Trước hết, thị xã Sơn Tây đề nghị được Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để địa phương quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy hiệu quả di tích Làng cổ ở Đường Lâm, nhất là tạo điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách. Thị xã Sơn Tây đề nghị UBND Thành phố sớm thẩm định, phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm. Cùng đó là việc Thành phố hỗ trợ, giúp đỡ triển khai các dự án lớn trên địa bàn thị xã: Bảo tồn, tôn tạo Thành cổ, đền Và, đền vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, Trung tâm văn hóa xứ Đoài, Trung tâm hành chính mới, cải tạo sông Tích...

Ông Nguyễn Hải Anh cũng cho rằng, Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương phối hợp cùng thị xã xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn Thủ đô nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó có các huyện, thị phía Tây của Thủ đô, vùng văn hóa xứ Đoài giàu tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

son-tay-ok.jpg
Phố đi bộ đêm quanh Thành cổ Sơn Tây trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn với du khách.

“Thị xã đồng thời đề nghị Thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu còn lại của Thị xã. Phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại - văn hóa là bước đi chiến lược để Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo và thương mại văn hóa của khu vực. Với sự quyết tâm, đồng lòng của các bên, Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng sẽ đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực này” – ông Nguyễn Hải Anh, khẳng định./.

Phạm Quỳnh