“Di sản công nghiệp” - nguồn lực để Hà Nội tạo ra các trung tâm công nghiệp văn hóa
Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được Thành phố Hà Nội xác định là một trong những chủ trương quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng, phát triển trung tâm CNVH, trong đó Thành phố có thể tái sử dụng và hồi sinh các “di sản công nghiệp” để mở ra các không gian sáng tạo.
Thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô 2024, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa. Dự thảo Nghị quyết đang được chính quyền Thành phố lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện, sau đó UBND Thành phố sẽ trình Dự thảo này tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Thành phố sắp tới để HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết, tạo động lực phát triển Thủ đô trên nền tảng lấy văn hóa làm động lực phát triển.

“Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp đầu tư công - quản trị tư, phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân để phát triển CNVH” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Liên quan đến nội dung này, tại Hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại - văn hóa” vừa qua do UBND Thành phố tổ chức, một số ý kiến chuyên gia đề xuất Thành phố có thể hình thành các trung tâm CNVH từ việc tái sử dụng, hồi sinh các công trình cũ, tòa nhà bỏ hoang còn hiện hữu.
“Hà Nội xây dựng trung tâm CNVH cần ưu tiên tái sử dụng, hồi sinh các không gian công cộng, nhà máy, tòa nhà bị bỏ hoang. Bên cạnh đó là phát triển dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện hợp tác liên ngành giữa thiết kế sáng tạo, nghệ thuật và công nghệ” - bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội gợi ý cho Thành phố Hà Nội về việc xây dựng các trung tâm CNVH trong tương lai.
Theo bà Phạm Thanh Hường, việc Hà Nội tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 và 2024, với việc tái sử dụng và hồi sinh Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Cung Thiếu nhi… thu hút hàng vạn người dân và du khách, cho thấy các công trình cũ của Thành phố có sức hấp dẫn và là nguồn lực để Hà Nội phát triển CNVH, xây dựng các trung tâm CNVH.
Xây dựng các trung tâm CNVH từ những công trình cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo. Từ góc quan sát cá nhân, bà Phạm Thanh Hường nhận định thế hệ trẻ rất có cảm hứng trong việc được trải nghiệm và tham gia sáng tạo tại những không gian văn hóa, công trình cũ gắn với câu chuyện của Thủ đô Hà Nội.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, bà Phạm Thanh Hường cho rằng để phát triển các trung tâm CNVH thì cần có Quỹ tài trợ từ Nhà nước, hoặc hợp tác công tư để thành lập các Quỹ sáng tạo. “Phát triển CNVH của các nước là nguyên tắc dựa vào cộng đồng, bao gồm từ nghệ sĩ đến các tầng lớp sinh viên. Sự thành công của các nước cho thấy cần có sự liên kết đa ngành, CNVH là lõi, sau đó kết hợp thiết kế sáng tạo, công nghệ, trung tâm đổi mới, không gian cho các thử nghiệm công nghệ gắn với nghệ thuật” - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thanh Hường, chia sẻ.
Thực tế, Thành phố Hà Nội còn một lượng lớn “di sản công nghiệp” như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm... Những “di sản công nghiệp này” có thể vừa kiến tạo các không gian văn hóa mới cho người dân, trong khi vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử - văn hóa, vừa có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy CNVH, phát triển các hoạt động kinh tế sáng tạo. Bản thân kiến trúc, dây chuyền sản xuất của các “di sản công nghiệp” đã là những công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển, chỉ cần có sự cải tạo phù hợp, sẽ biến thành không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ các nhu cầu của xã hội đương đại.

Chính vì điều này, Dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa của UBND Thành phố Hà Nội đã có nhiều quy định với tư duy mới, tầm nhìn mới để phát triển CNVH Thủ đô. Đáng chú ý bởi Dự thảo Nghị quyết đề xuất hai phương thức chính để phát triển các trung tâm CNVH.
Thứ nhất là Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách, sau đó thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoặc nhượng quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã để quản lý, vận hành. Thứ hai là cho các tổ chức, cá nhân thuê công trình tài sản công (như các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại cũ đã di dời) để cải tạo, sửa chữa thành trung tâm CNVH. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi công năng các công trình cũ, không còn sử dụng hiệu quả, thành không gian sáng tạo văn hóa mới, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNVH.
Và càng đáng mừng hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp đầu tư công - quản trị tư, phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân để phát triển CNVH. Trong điều kiện hiện nay, Hà Nội sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa”./.
Nghị quyết số 09/NQ-TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh quan điểm phát triển CNVH, trong đó có việc hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và CNVH để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển CNVH Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2030 ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.