Hỏa dược khố, Quan Tượng Đài triều Nguyễn như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế
Hỏa dược khố và Quan Tượng Đài của triều Nguyễn ít khách đến tham quan, chiêm ngưỡng do bị khóa cổng khiến 2 di tích như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế.

Hỏa dược khố và Quan Tượng Đài (đài quan sát thiên văn xưa của triều Nguyễn) nằm sát nhau cùng một vị trí ở phía Tây Nam Kinh thành Huế đoạn giao nhau giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Tôn Thất Thiệp (quận Phú Xuân, TP Huế) thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Di tích Hoả dược khố được xây bằng gạch vồ dày gần 80cm, vốn là nơi triều Nguyễn để đạn dược, diêm tiêu cung cấp cho hệ thống súng thần công phòng thủ và hiện nay được dùng để tạm đồ đạc.
Quan Tượng Đài (đài quan sát thiên văn xưa của triều Nguyễn) là nơi quan sát khí tượng, khí hậu, thời tiết của triều đình nhà Nguyễn với kiến trúc độc đáo kết hợp giữa đài quan sát với hệ thống kính thiên văn, ống nhòm, la bàn… được xây dựng năm 1827 ở triều vua Minh Mạng dưới sự quản lý của Khâm Thiên Giám (cơ quan thành lập từ thời vua Gia Long và tổ chức quy củ dưới thời Minh Mạng)
Năm 2012, dự án “Tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài” trong hệ thống dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” đã được khởi công với phần nền đài có độ cao gần 6m, chính giữa là đình Bát Phong và phía dưới là bậc cấp có chiều rộng 8,2m. Tuy nhiên, sau khi tu bổ và phục hồi hoàn thành nhưng hầu như bị “lãng quên” bởi cổng đóng và ít khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.





Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đơn vị sẽ có kế hoạch đưa khách tham quan đến các điểm Hỏa dược khố, Quan Tượng Đài của triều Nguyễn nhằm hạn chế tình trạng hoang hóa, đồng thời phát huy tối đa giá trị của di sản Huế./.