Hà Nội: Học sinh Hoàn Kiếm xuất sắc giành 02 giải nhất tại cuộc thi SV Startup 2025
Những dự án của các em học sinh của trường THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Hoàn Kiếm và THCS Trưng Vương đã xuất sắc giành 2 giải nhất và 1 giải nhì tại cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV Startup 2025.
Tại Lễ trao giải và bế mạc cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV Startup 2025 diễn ra chiều 20/4, tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, 15 dự án của sinh viên, học sinh được Bộ GD&ĐT trao giải nhất cuộc thi SV Startup năm 2025 ở 5 lĩnh vực. Trong đó, nổi bật, ngành Giáo dục Hoàn Kiếm đã xuất sắc giành 02 giải nhất với “Bộ thiết bị giáo dục thông minh – Vrobot” của các em học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên; “Ecosmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh” của các em trường THCS Hoàn Kiếm và 01 giải nhì với dự án “Bizlab Studio – Phát triển kỹ năng kinh doanh cho học sinh” của trường THCS Trưng Vương ở cả 3 lĩnh vực: Công nghiệp, Nông lâm ngư nghiệp và Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Bộ thiết bị giáo dục thông minh Vrobot - “tất cả trong một”
Chia sẻ về sự ra đời của công cụ học tập thông minh, em Kiều Đức Thắng, học sinh lớp 9A4 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm), trưởng nhóm của dự án cho biết, vì những thiết bị lập trình robot đang được bán trên thị trường có giá thành khá đắt đỏ, nên em đã nảy sinh ý tưởng làm ra một sản phẩm có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn thực hiện được các giải pháp "tất cả trong một" để học sinh có những trải nghiệm thực hành lập trình, điện tử, và robot. Sản phẩm sau khi được hình thành sẽ giúp học sinh chúng em hiểu biết về lập trình, có thể tự sáng tạo riêng cho mình.

Nói rõ thêm về sản phẩm tâm đắc của nhóm mình, Phùng Khắc Tùng, học sinh lớp 9A10 trường THCS Ngô Sĩ Liên cho hay, VRobot là sự kết hợp 10 mẫu mô hình chỉ trong một bộ công cụ, đi kèm với đó là hướng dẫn lắp ráp cho từng mẫu thiết kế, tạo tiền đề khởi động cho những phát minh của trẻ em.
VRobot mang đến giải pháp toàn diện cả linh kiện lẫn phần mềm phục vụ cho dạy học STEAM và lập trình Robotics, giúp mọi trẻ em đều có cơ hội được làm quen với khoa học công nghệ. Đây là dự án khả thi và có tiềm năng phát triển rộng mở phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Thông qua bộ thiết bị này người dùng có thể triển khai lộ trình học tập với các chủ đề khác nhau từ cơ bản đến nâng cao.
Ngoài cung cấp các linh kiện lắp ráp phần cứng, nhóm cũng đã phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội để thiết kế và xây dựng thành công phần mềm VRoApp. Phần mềm này bao gồm toàn bộ hướng dẫn sử dụng và hệ thống trò chơi được nâng cấp theo từng cấp độ, giúp học sinh có thể dễ dàng làm quen với lập trình robot.
Điểm khác biệt quan trọng của Vrobot không chỉ là giá thành vô cùng cạnh tranh mà còn là tính linh hoạt, với nhiều cổng kết nối, hỗ trợ việc mở rộng tính năng và tích hợp với thiết bị khác. Đây là dòng thiết bị được hỗ trợ hoàn thiện và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư trong nước, nên phần mềm rất dễ sử dụng, phù hợp với học sinh Việt Nam.
Bộ thiết bị Vrobot còn được tích hợp thêm đồng thời 2 chế độ đó là điều khiển bằng giọng nói và điều khiển bằng cử chỉ, từ đó giúp tăng hứng thú cho người dùng. Đây là một tính năng mới, vừa sinh động, trực quan, đồng thời mở ra hướng phát triển nâng cấp cho công nghệ chế tạo robot trong giáo dục.
Tự hào về những sáng tạo và ý tưởng thiết thực của học sinh cũng như giành giải nhất tại cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV Startup 2025 của trường mình, cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên(Hoàn Kiếm) cho biết, trong những năm qua, nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh tham gia vào các dự án khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Với sự hỗ trợ này, nhà trường mong các em sẽ có nền tảng vững chắc để tự tin khởi nghiệp và phát triển trong tương lai. Đồng thời, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo các hướng: Xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các ý tưởng khả thi, giúp học sinh có điều kiện phát triển dự án; tạo môi trường thực hành thực tế, liên kết với một số trường đại học để các dự án có cơ hội tham gia hội chợ khởi nghiệp, từ đó học sinh có thể giới thiệu và kinh doanh sản phẩm của mình.
EcoSmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh
Ecosmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh là dự án sản xuất và kinh doanh sản phẩm đồ dùng học tập của học sinh, sinh viên như Bút bi, Thước kẻ,.. làm từ vật liệu xanh dễ phân huỷ, thân thiện với môi trường. Sản phẩm có nhiều tính năng thông minh dựa vào việc tối ưu thiết kế của sản phẩm và tích hợp hệ thống công nghệ hỗ trợ khách hàng.

Theo em Nguyễn Xuân Phúc, lớp 7B, trường THCS Hoàn Kiếm thành viên của dự án cho biết, EcoSmart được lên ý tưởng nhằm mục tiêu dẫn đầu trong việc cung cấp đồ dùng học tập chất lượng từ vật liệu xanh thông minh và thân thiện, góp phần thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và nâng cao ý thức sống xanh mang lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ tương lai. EcoSmart mong muốn truyền cảm hứng và khuyến khích cộng đồng cùng nhau xây dựng một môi trường học tập bền vững và trách nhiệm hơn với trái đất.
Sản phẩm được kết hợp bởi 2 yếu tố Eco (Vật liệu xanh) và Smart (Tính năng thông minh). Eco - Sản phẩm được làm từ nguyên liệu xanh từ nông - lâm nghiệp, thân thiện với môi trường, dễ dàng phân huỷ, giảm thiểu rác thải nhựa, giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hướng tới sự phát biển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. Smart - tối ưu hoá thiết kế, tính năng cho từng sản phẩm, tích hợp công nghệ thông minh hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng.
Nhà giáo Bùi Thị Phương Mai, Hiệu trưởng trường THCS Hoàn Kiếm cho biết, dự án EcoSmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh không chỉ có giá trị bảo vệ môi trường, tạo thói quen hình thành lối sống xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc giảm tỷ lệ rác thải nhựa một lần trong ngành giáo dục mà còn có giá trị do quá trình tư duy, học tập sáng tạo của các em học sinh.
Bizlab Studio - nền tảng giáo dục trực tuyến
Dự án được thực hiện bởi các học sinh trường THCS Trưng Vương, trong đó có những bạn mới chỉ lớp 7, lớp 8: Ngô Minh Trí (9A1), Nguyễn Quốc Gia Huy (8M), Chu Đăng Nam Phong (7A), Lê Thảo Phương (8A2) và Nguyễn Mỹ Diệp (8A).
Em Ngô Minh Trí, trưởng nhóm chia sẻ: “Từ sở thích sáng tạo nội dung số và nhận thấy thiếu hụt các tài liệu kinh doanh dành riêng cho lứa tuổi học trò, chúng em quyết định tạo nên một nền tảng học tập thân thiện, hấp dẫn, nơi kiến thức khởi nghiệp không còn khô khan, khó hiểu”.

Bizlab Studio ứng dụng AI và hoạt họa để truyền tải kiến thức thông qua các nhân vật hoạt hình như “bé Đường” và “bé Gạo”. Đó là những hướng dẫn viên vui nhộn, giúp học sinh dễ tiếp cận và yêu thích việc học. Nội dung chương trình gồm 80% học trực tuyến và 20% trải nghiệm thực tế như hội chợ kinh doanh, trại hè, chương trình cố vấn.
Là giáo viên đồng hành cùng dự án, thầy Phan Anh nhận xét: “Dự án thể hiện rõ khả năng tư duy, sáng tạo và ứng dụng thực tiễn của học sinh. Đây là bước khởi đầu đáng tự hào, mở ra cơ hội để các em phát triển đam mê công nghệ và kỹ năng sống thiết yếu”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương cho biết, đây là cơ hội để học sinh thể hiện niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo trong học tập; đưa ra những ý tưởng hữu ích để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, điều này cũng giáo dục cho các em tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, ý thức và phương pháp tự học... Trường sẽ tiếp tục mở rộng nền tảng công nghệ này, giúp học sinh rèn luyện tư duy tự học và khả năng thích ứng với sự thay đổi trong tương lai./.
SV.STARTUP năm 2025 do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/4, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay thu hút 775 dự án của học sinh, sinh viên tranh tài. Đây cũng là năm đầu tiên, cuộc thi có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các ý tưởng khởi nghiệp năm nay chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Nhiều dự án trong số này đã triển khai thực tế và có lãi.
125 dự án lọt vào vòng chung kết được xét giải thưởng theo các nhóm: Kinh doanh tạo tác động xã hội; Công nghiệp; Nông lâm ngư nghiệp; Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch; Dịch vụ, Tài chính ngân hàng.
Mỗi lĩnh vực đều có 1 giải nhất trị giá 15 triệu đồng, 2 giải nhì với phần thưởng 10 triệu đồng, chia đều cho ba bảng sinh viên, giáo dục nghề nghiệp, học sinh. Riêng số giải ba (8 triệu), khuyến khích (5 triệu) có sự khác nhau giữa từng lĩnh vực và bảng thi đấu.