Thị xã Sơn Tây: 3 xã dự kiến sau sắp xếp đơn vị hành chính đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử
Thị ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây dự kiến chia làm 3 đơn vị hành chính cấp xã với quy mô, tên gọi cụ thể:

1. Đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây:
Địa giới hành chính: Toàn bộ diện tích và dân số của phường Phú Thịnh, Ngô Quyền, Viên Sơn, xã Đường Lâm; phần lớn diện tích và dân số của các phường Sơn Lộc, Trung Hưng; một phần diện tích và dân số xã Thanh Mỹ. Diện tích tự nhiên là 23,44 km2, quy mô dân số khoảng 51.000 người. Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn hóa, lịch sử gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài, trọng tâm là Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền Và. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 03 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định ( Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15).
Về tên gọi Sơn Tây: Việc đặt tên Sơn Tây là để lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử của một cùng đất cổ với danh xưng 556 năm, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa – lịch sử của vùng đất xứ Đoài xưa. Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
2. Đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện:
Địa giới hành chính: Toàn bộ diện tích và dân số của các phường Xuân Khanh, Trung Sơn Trầm, xã Xuân Sơn; một phần diện tích và dân số của phường Trung Hưng, Sơn Lộc; phần lớn diện tích và dân số của xã Thanh Mỹ. Diện tích tự nhiên là 32,78 km2, quy mô dân số khoảng 43.400 người.
Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị sinh thái trong tương lai gắn với phát huy tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, sinh thái của hồ Xuân Khanh và các xã Xuân Sơn, Thanh Mỹ; phát triển y tế, giáo dục cấp vùng. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 03 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định.
- Về tên gọi Tùng Thiện: Đáp ứng nguyên tắc đặt tên xã, phường hình thành sau sắp xếp của UBND thành phố Hà Nội là ưu tiên đặt tên theo tên gọi đã có trước đây, cũng như phù hợp với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Huyện Tùng Thiện được đổi tên từ huyện Minh Nghĩa năm 1853, nay là phần phía nam thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì. Huyện Tùng Thiện tồn tại đến năm 1968 sáp nhập với một số đơn vị hành chính để thành lập huyện Ba Vì.
Như vậy, địa danh “Tùng Thiện” mang dấu ấn lâu đời theo tiến trình thay đổi địa lý hành chính thị xã Sơn Tây trong lịch sử. Các địa phương được sáp nhập thành đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện cơ bản trước đây đều thuộc huyện Tùng Thiện. Như vây, việc đặt tên đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện là phù hợp với yếu tố lịch sử phát triển của thị xã Sơn Tây và các địa phương.

3. Đơn vị hành chính cơ sở Đoài Phương:
Địa giới hành chính: Toàn bộ diện tích và dân số xã Kim Sơn, Sơn Đông; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Đông. Diện tích tự nhiên là 57,20 km2, quy mô dân số khoảng 45.000 người.
Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Đoài Phương phù hợp định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tập trung, công nghệ cao; khai thác tiềm năng, thế mạnh của hồ Đồng Mô, phát triển các khu nghỉ dưỡng ven hồ gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tâm linh, sinh thái, văn hóa… với định hướng hình thành khu vực du dịch trọng điểm Quốc gia. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định.
Về tên gọi Đoài Phương: Từ xa xưa đã có câu thành ngữ Đoài phương tĩnh nhất khu, có nghĩa khu vực phía Tây yên tĩnh nhất. Phía Tây ở đây là chỉ khu vực xứ Đoài xưa nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là vùng đất yên ổn, yên bình, ít chịu sự tác động bởi những biến cố lịch sử, tự nhiên. Đoài còn để chỉ 1 vùng văn hóa phía Tây Thăng Long – xứ Đoài, mà trong đó, Sơn Tây chính là trung tâm, là hạt nhân của vùng văn hóa đó. Cùng với xứ Đoài, còn có các vùng văn hóa xung quanh Thăng Long: xứ Đông, xứ Nam, xứ Bắc.
Việc đặt tên xã Đoài Phương như vậy có nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử và tự nhiên. Xã Đoài Phương sẽ là đại diện cho cả một nền văn hóa lâu đời phía Tây Hà Nội, trong đó Sơn Tây với những giá trị di sản tiêu biểu sẽ là biểu tượng trường tồn của 1 diên cách văn hóa. Đoài Phương còn hướng tới một cuộc sống yên vui và phát triển, Nhân dân hạnh phúc. Đoài Phương cũng hướng tới khai thác tiềm năng, thế mạnh của một địa phương nhiều ao, hồ, đặc biệt là hồ Đồng Mô. Với định hướng phát triển trong tương lai, Đoài Phương sẽ là trung tâm phát triển du lịch trọng điểm Quốc gia.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thị xã Sơn Tây sẽ triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất ngày 21/4/2025; tổ chức Kỳ họp HĐND để thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã chậm nhất ngày 24/4/2025; tổng hợp kết quả báo cáo UBND Thành phố Hà Nội, chậm nhất trong ngày 26/4/2025.

Đồng chí Ngô Đình Ngũ – Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, nhấn mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng như việc lấy ý kiến Nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó đề nghị các cấp, ngành, các địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để tổ chức thực hiện.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội để tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tin tưởng với quyết tâm chính trị cao, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây sẽ đạt kết quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới./.