Chính sách & Quản lý

Hà Nội xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa: Đề xuất đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thí điểm

Hoa Quỳnh 09:04 19/04/2025

“Chúng tôi đề xuất Thành phố Hà Nội cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện mô hình thí điểm xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, thời gian từ 2-3 năm” - TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Khoa học Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhấn mạnh.

Nội dung trên được TS. Lê Xuân Kiêu nêu tại Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH), khu phát triển thương mại và văn hóa” do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức sáng 18/4.

“Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) là văn bản rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội”.

TS. Lê Xuân Kiêu

a-kieu.jpg
TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Khoa học Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Kiêu đánh giá Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động rõ ràng, giúp cho các trung tâm CNVH có cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, là căn cứ để quản lý, phân bổ ngân sách, nhân sự, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như vận hành bộ máy một cách minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Thông qua đó, góp phần phát triển kinh tế dựa trên giá trị văn hóa, khai thác hiệu quả các tài sản văn hóa thông qua các ngành như: du lịch văn hóa, thiết kế sáng tạo, điện ảnh, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, biểu diễn nghệ thuật...

Trong Dự thảo Nghị quyết, hiện có 3 mô hình tổ chức của trung tâm CNVH: doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã là hợp lý, phù hợp với thực tiễn các địa điểm Thành phố dự kiến phát triển các trung tâm CNVH tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng, các khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa và công trình tài sản công là các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trụ sở các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc di dời, công trình sự nghiệp công, cơ sở hạ tầng khác thuộc sở hữu nhà nước chưa giao, chưa cho thuê, chưa có phương án giao, cho thuê, xử lý tài sản. Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, việc thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, điều kiện thành lập mới theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Như vậy, cả theo quy định và thực tế, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy như hiện nay, việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư để vận hành trung tâm CNVH là khó khả thi.

Theo mục 4, điều 9 của Dự thảo đã đưa ra trường hợp không thành lập đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý, vận hành hoạt động của trung tâm tâm CNVH, UBND cấp có thẩm quyền được nhượng quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan để khai thác, quản lý trung tâm CNVH theo quy định của Nghị quyết số 27/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của HĐND thành phố Hà Nội quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang hoạt động, có khả năng phát triển các sản phẩm CNVH, xây dựng trung tâm CNVH.

Do đó, với các không gian dự kiến phát triển các trung tâm CNVH như trong dự thảo Nghị quyết, nên giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện theo các điều khoản cụ thể của Nghị quyết này. Đối với các tài sản công đang thuộc quản lý của các đơn vị sự nghiệp, có lợi thế về không gian văn hóa, hiện chưa phát huy tốt hiệu quả trong sử dụng, có thể thành lập trung tâm CNVH, do đơn vị sự nghiệp vận hành.

van-mieu-hanoi.jpg
Các em học sinh tham quan và tìm hiểu trưng bày “Khơi nguồn đạo học” tại hậu đường Nhà Thái học thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

TS. Lê Xuân Kiêu chỉ rõ thuận lợi của mô hình này, đó là đơn vị sự nghiệp công lập có bộ máy tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, là đơn vị trực tiếp quản lý tài sản, không cần phải thành lập một tư cách pháp nhân mới. Những tri thức văn hóa được lưu giữ tại các di tích lịch sử văn hóa do đơn vị sự nghiệp quản lý là cơ sở cho các hoạt động sáng tạo. Ngoài giá trị tài sản hữu hình được giao quản lý, một số đơn vị sự nghiệp cũng được giao quản lý các cơ sở có giá trị về thương hiệu, là điều kiện quan trọng để thu hút các tổ chức, cá nhân, các nghệ sĩ đến hoạt động.

Tuy nhiên, mô hình cũng thể hiện những khó khăn, thách thức: “Mặc dù có nguồn nhân lực nhưng chưa được đào tạo, chưa hoạt động trong lĩnh vực CNVH; đơn vị sự nghiệp công lập chưa có bộ phận có chức năng, nhiệm vụ phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa” – TS Lê Xuân Kiêu, chia sẻ.

Từ thực tiễn nêu trên, TS. Lê Xuân Kiêu đề xuất thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa hoặc bộ phận có chức năng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển sản phẩm CNVH; liên kết với các tổ chức, cá nhân vận hành trung tâm CNVH với các chính sách, ưu đãi như với đơn vị sự nghiệp mới thành lập để vận hành các khu CNVH. Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên cho thấy, trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập là chủ thể xây dựng trung tâm CNVH là phù hợp với thực tiễn, có trách nhiệm tổ chức không gian hoạt động và hợp tác với các chủ thể sáng tạo (các nghệ sĩ, không gian sáng tạo…) để phát triển các sản phẩm CNVH.

Như vậy, theo mô hình này, Trung tâm CNVH vận hành dựa trên sự hợp tác giữa một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhà nước với các tổ chức, cá nhân để kết hợp nguồn lực của nhà nước là tài sản công, đầu tư về cơ sở hạ tầng, điều kiện hoạt động cho các nhóm sáng tạo và chuyên môn, tri thức, kinh nghiệm của các nghệ sĩ, người hoạt động sáng tạo, truyền thông, tài chính theo ba giai đoạn: sáng tạo các ý tưởng – Phát triển các sản phẩm CNVH – Thương mại hóa các sản phẩm CNVH.

Các hoạt động chủ yếu và cơ chế vận hành của Trung tâm CNVH với các hoạt động: Không gian sáng tạo và trải nghiệm văn hóa, Trung tâm trưng bày – triển lãm – giao lưu văn hóa, Hoạt động giáo dục – tương tác công chúng, Hoạt động dịch vụ văn hóa – du lịch. Về cơ chế vận hành về tài chính, nguồn vốn đầu tư ban đầu là kinh phí của các đơn vị sự nghiệp cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; Hợp tác công tư (PPP) kêu gọi doanh nghiệp đầu tư một số hạng mục; hỗ trợ từ các quỹ văn hóa. Nguồn thu vận hành thông qua việc bán vé trải nghiệm, triển lãm; cho thuê không gian tổ chức sự kiện, studio sáng tạo; kinh doanh dịch vụ (lưu niệm, tour...).

“Từ những nội dung nêu trên, để có thể xây dựng được trung tâm CNVH do các đơn vị sự nghiệp công lập vận hành, chúng tôi đề xuất các chính sách ưu đãi của Thành phố đối với các đơn vị sự nghiệp công nghiệp mới thành lập để quản lý trung tâm CNVH được áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động, được giao nhiệm vụ xây dựng, vận hành trung tâm CNVH. Thành phố cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện mô hình thí điểm xây dựng trung tâm CNVH, thời gian từ 2-3 năm” - TS. Lê Xuân Kiêu nêu ý kiến./.

Hoa Quỳnh