Tiếng nói tâm huyết của cử tri Tây Hồ: Đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng 18/4, diễn ra theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Thành phố Hà Nội và các điểm cầu quận, huyện. Tại hội nghị, nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm đã được cử tri quận Tây Hồ đóng góp, thể hiện tâm huyết và kỳ vọng vào sự phát triển bền vững, hiện đại của Thủ đô.

Hai cử tri tiêu biểu là ông Nguyễn Hữu Tám (phường Nhật Tân) và ông Châu Xuân Huy (phường Yên Phụ) đã có những phát biểu đáng chú ý, vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa thể hiện nguyện vọng thiết thực của người dân địa phương.
Cử tri Nguyễn Hữu Tám, Phó trưởng Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ, nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Nội vụ, là người có hơn 50 năm công tác, nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Với nền tảng chuyên môn sâu sắc, ông đã gửi tới hội nghị một bản kiến nghị toàn diện và giàu tính thực tiễn liên quan đến mô hình tổ chức đơn vị hành chính địa phương theo hướng tinh gọn, hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển đô thị hóa.
Theo ông Tám, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thì việc tinh giản cấp hành chính trung gian là cần thiết. Sắp xếp nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài, thuận tiện trong quản lý, phát triển đồng bộ hạ tầng...
Ông cũng nêu rõ, trên thế giới, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Canada đã vận hành mô hình hành chính 2 cấp rất hiệu quả, trong đó cấp cơ sở có thể là thành phố hoặc thị trấn với quy mô dân số rất linh hoạt, từ vài nghìn đến hàng triệu người. Việc Việt Nam áp dụng mô hình tương tự không chỉ giúp tăng cường năng lực quản trị mà còn tiết kiệm ngân sách, tận dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống cấp giấy tờ hành chính và quản lý dịch vụ công.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa mô hình hành chính 2 cấp này, đồng thời hợp nhất Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy và tiết kiệm nguồn lực.

Trong khi ông Nguyễn Hữu Tám tập trung vào những đề xuất tầm vĩ mô, thì cử tri Châu Xuân Huy (tổ dân phố số 4, phường Yên Phụ) lại mang đến hội nghị một góc nhìn gần gũi, cụ thể và rất đời thường, phản ánh những mong mỏi chính đáng của người dân trong vùng dự án Cầu Tứ Liên – công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô.
Cử tri Châu Xuân Huy khẳng định, người dân phường Yên Phụ đồng thuận và vui mừng trước tiến độ triển khai dự án cầu Tứ Liên – một trong ba cây cầu lớn vượt sông Hồng dự kiến được khởi công trong năm 2025. Dự án này không chỉ giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô mà còn tạo động lực phát triển liên kết vùng giữa quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.
“Cầu Tứ Liên là công trình đặc biệt cấp thành phố, nối từ đê Nghi Tàm vượt sông Hồng sang Đông Anh, có thiết kế hiện đại, kết nối hệ thống đường trên cao và giao thông mặt đất. Người dân rất phấn khởi khi dự án được xúc tiến và kỳ vọng cây cầu sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Bắc Thủ đô,” ông Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Huy cũng thẳng thắn nêu lên những băn khoăn, vướng mắc về chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo ông, hiện nay, người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án rất cần được công khai minh bạch thông tin về giá đền bù, địa điểm tái định cư, kế hoạch bố trí trường học, việc làm, cũng như các mốc thời gian cụ thể để người dân ổn định cuộc sống.
“Chúng tôi kiến nghị sớm công bố thông tin đền bù, tái định cư một cách rõ ràng. Việc di dời, sinh sống, học hành, làm việc là quyền lợi thiết thực của người dân. Mong chính quyền quận Tây Hồ bố trí quỹ đất tái định cư ngay trong địa bàn quận, để người dân không phải xa rời nơi chốn gắn bó,” ông nói.
Một vấn đề cụ thể được ông Huy nêu bật là nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố số 4 nằm trọn trong chỉ giới dự án, có nguy cơ bị thu hồi hoàn toàn. Ông kiến nghị thành phố và quận sớm bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng lại nhà sinh hoạt, đảm bảo không gian sinh hoạt cộng đồng, gắn kết dân cư sau di dời.
Thông qua hội nghị, các ý kiến này sẽ được tổng hợp, báo cáo về Quốc hội để xem xét, phản ánh vào chương trình xây dựng pháp luật, chính sách và kế hoạch đầu tư công quốc gia. Đồng thời, chính quyền các cấp tại Hà Nội cũng sẽ tiếp thu để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, đảm bảo hài hòa giữa phát triển và ổn định xã hội.
Trong quá trình phát triển không ngừng của Thủ đô Hà Nội, tiếng nói xây dựng từ cơ sở – từ những người như ông Tám và ông Huy – chính là một phần không thể thiếu để hình thành một đô thị hiện đại, đáng sống, đồng thời lan tỏa tinh thần dân chủ, đồng thuận xã hội ngày càng sâu rộng./.