Gợi mở cho Hà Nội thêm những không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa
Tại Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa” do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức sáng 18/4, nhiều chuyên gia đã có những góp ý, trao đổi với chính quyền Thành phố để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa; Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa.
Những góp ý, trao đổi của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sỹ... tại Hội thảo giúp Thành phố có thêm cơ sở để hoàn thiện 2 văn bản pháp lý, tới đây trình HĐND Thành phố xem xét và thông qua trong kỳ họp gần nhất, qua đó rộng mở, tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh và vươn cao đúng như kỳ vọng.

PGS. TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia:
Thủ đô Hà Nội đã cho thấy sự đột phá về tư duy để biến di sản văn hóa thành tài sản, đồng thời biến tài sản ấy thành hàng hóa tạo ra động lực phát triển. Thành phố đã có những tầm nhìn mới, nhận thức đúng và đủ về giá trị di sản văn hóa.
Trước khi có Dự thảo Nghị quyết về công nghiệp văn hóa; khu phát triển thương mại và văn hóa hôm nay thì đã có các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố được biết đến là trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm thương mại văn hóa như quận Hoàn Kiếm có khu phố cổ, phố đi bộ quanh Hồ Gươm; Trung tâm khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)... Đây là thời điểm chín muồi để Hà Nội hoàn thiện các khung khổ pháp lý cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa.

Tuy nhiên, Hà Nội khi thực hiện thí điểm về phát triển công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa vẫn cần có thêm những chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù hơn bởi cũng có thể có những rủi ro. Chẳng hạn với làng nghề gốm Bát Tràng, cần có một Quỹ để họ huy động các nguồn lực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, phát triển du lịch. Đồng thời cần xây dựng được các quy định về những hoạt động, cải tạo; việc đào tạo nghệ nhân, đặc biệt là việc chia sẻ lợi ích với người dân địa phương trong khu thương mại và văn hóa làng gốm Bát Tràng.
Chúng ta cũng nên đa dạng các hình thức, cơ chế hợp tác như hợp tác công tư, hợp tác xã nghề nghiệp, cơ chế tham vấn cộng đồng. Chúng ta phải đánh giá tác động về môi trường, văn hóa khi triển khai phát triển khu thương mại và văn hóa, công nghiệp văn hóa. Mục tiêu cuối cùng vẫn phải là bảo vệ được di sản văn hóa và môi trường”.
Ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL):
Việc triển khai Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa của Thành phố Hà Nội là hai nội dung rất cần thiết. Chúng tôi đánh giá rất cao Hà Nội đã xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật này để thực hiện Luật Thủ đô hiệu quả nhất. Dự thảo hai Nghị quyết đã có những quy định, điều khoản cụ thể để Hà Nội triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng chiến lược phát triển con người, công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Thể chế trong Dự thảo Nghị quyết của Thành phố nhằm huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, các khu thương mại và văn hóa. Tuy nhiên, ngoài đối tượng cụ thể được thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết công nghiệp văn hóa, chúng tôi cho rằng cần thêm đối tượng khác như doanh nghiệp phát triển hệ thống hạ tầng. Cùng đó, chúng ta có thể nghiên cứu mở rộng cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên kết với nước ngoài tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội có được không?
Về cơ chế ưu đãi, Dự thảo Nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thành phố đã quy định khá đầy đủ và chi tiết. Nhưng phát triển công nghiệp văn hóa và tất cả các lĩnh vực đều phải có, đó là nguồn nhân lực. Song tôi cho rằng Dự thảo Nghị quyết chưa có nhiều ưu đãi cho nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, trong các cơ chế ưu đãi, Hà Nội cũng nên chọn ưu đãi đối với lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh như việc Thủ đô đã gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Bà Trần Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL):
Theo tôi, Ban soạn thảo Nghị quyết thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa đang tập trung vào các lĩnh vực dựa trên các ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh) trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tôi nghĩ các lĩnh vực này có phần hơi hạn chế, nên chăng ta nên mở rộng thêm vì công nghiệp văn hóa cũng mở rộng theo thời gian. Làm sao chúng ta mở được thêm những không gian sáng tạo để phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa là việc làm cần thiết.
Đồng thời, tôi đề xuất Thành phố có thêm quy định cho các trung tâm công nghiệp văn hóa phải tập trung vào thúc đẩy, hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo của địa phương. Với khu phát triển thương mại và văn hóa, tôi cho rằng cần có quy định cân bằng được nội hàm văn hóa và kinh tế, thậm chí chúng ta phải ưu tiên văn hóa sáng tạo nhiều hơn vì Hà Nội đã có nhiều trung tâm thương mại. Ngoài ra, Nghị quyết cũng cần có các chính sách ưu tiên về việc sử dụng đất cho việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa; phát triển khu thương mại và văn hóa.
Tôi cũng cho rằng, về lâu dài, Thành phố nên có cơ chế thành lập một Hội đồng tư vấn với các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, truyền thông, công nghệ… để Hội đồng này trực tiếp tư vấn cho Thành phố về quản lý, phát triển những trung tâm này./.
Nhằm triển khai thực hiện quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng 2 Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố, gồm: “Dự thảo Nghị quyết về quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa” và “Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa”. Các Dự thảo Nghị quyết này đang được UBND Thành phố đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để lấy ý kiến nhân dân.