Workshop “Gặp gỡ mùa xuân” kết nối sáng tạo Việt – Nhật
Hưởng ứng Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 11/4/2025 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025, Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã phối hợp cùng các tổ chức, nghệ nhân và chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức workshop mang tên “Gặp gỡ mùa xuân”. Đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt nhằm góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội khẳng định, quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp. Giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được mở rộng, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và gắn kết trong suốt hơn 50 năm qua. Theo bà Hòa, đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy các hoạt động văn hóa sáng tạo, tạo cầu nối bền vững giữa hai dân tộc bằng ngôn ngữ nghệ thuật và truyền thống.

“Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa như nghệ thuật trà đạo, thư pháp, nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, sự khác biệt về cách thể hiện và triết lý văn hóa lại chính là nét hấp dẫn, mở ra cơ hội khám phá và giao thoa. Xuất phát từ tinh thần đó, workshop “Gặp gỡ mùa xuân” được tổ chức như một không gian trải nghiệm đa chiều, nơi công chúng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các giá trị văn hóa của hai quốc gia thông qua những hoạt động nghệ thuật đặc sắc”, bà Hòa nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình, hoạt động trình diễn và thực hành thư pháp Việt – Nhật thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự. Dưới sự hướng dẫn của cô Otake Miki, Chủ nhiệm hội Sara no kai và họa sĩ Thái Tĩnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống, công chúng được khám phá vẻ đẹp của từng nét chữ, cảm nhận chiều sâu triết lý phương Đông thông qua nghệ thuật thư pháp.

Không gian workshop cũng trở nên sinh động hơn với hoạt động gấp giấy Origami do nghệ sĩ Nguyễn Nam Sơn trực tiếp hướng dẫn. Đây là dịp để công chúng tiếp cận nghệ thuật gấp giấy truyền thống của Nhật Bản, đồng thời khám phá sự khéo léo, kiên nhẫn và tư duy sáng tạo thể hiện trong từng tác phẩm.
Một trong những điểm nhấn tinh tế của sự kiện là trải nghiệm trà đạo Nhật Bản. Nghệ nhân Vũ Thị Huyền Trang - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ trà đạo Ryoan trường phái Omotesenke đã mang đến một không gian thư thái giúp người tham dự có thể cảm nhận tinh thần thiền định và tính thẩm mỹ sâu sắc trong nghi lễ thưởng trà.
Bên cạnh đó, workshop còn giới thiệu về nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái thông qua các hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và bộ sưu tập của Zó Project. Người tham chương trình có thể tìm hiểu quy trình làm giấy, chiêm ngưỡng các sản phẩm sáng tạo từ giấy dó và nhận thức rõ hơn về giá trị văn hóa gắn liền với di sản thủ công Việt Nam trong đời sống đương đại.

Sự kiện còn nhận được sự hỗ trợ từ nhóm Góc Lắng, một tổ chức cộng đồng tại Văn Khê, Hà Đông, góp phần tạo nên không gian gắn kết, gần gũi và đầy tính tương tác giữa nghệ nhân, nghệ sĩ và công chúng.
Workshop “Gặp gỡ mùa xuân” không chỉ là nơi để khám phá, trải nghiệm văn hóa mà còn là cầu nối tinh thần giữa hai nền văn hóa Á Đông. Thông qua chương trình, Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội mong muốn khuyến khích cộng đồng cùng tham gia vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó hình thành các sản phẩm văn hóa sáng tạo mang bản sắc Hà Nội. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong quá trình tái thiết đô thị, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và quảng bá hình ảnh Thủ đô sáng tạo đến với bạn bè quốc tế./.