Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới
Chiều 17/4, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh".

Phát biểu tại Diễn đàn, đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và biến động, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách quốc tế trong quý I/2025 đạt trên 6 triệu lượt, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng đạt khoảng 35,5 triệu lượt, góp phần đưa tổng thu từ du lịch đạt khoảng 242.000 tỷ đồng, tăng trưởng rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch và sự nỗ lực không ngừng của các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong việc thu hút khách du lịch.
Ngành du lịch đã được đánh giá là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế đất nước. Để đạt được kết quả này, chúng tôi cho rằng ngành du lịch Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc định hình, ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, với sự hỗ trợ hết sức tích cực của các bộ, ngành và địa phương.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ đã triển khai rất quyết liệt và hiệu quả một số nhiệm vụ theo nghị quyết của Chính phủ, như Nghị quyết 82 về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững, cùng Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển toàn diện và bền vững.
Bộ cũng có nỗ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến, đổi mới cả hình thức, nội dung và phương thức xúc tiến, mang tính trọng tâm, trọng điểm và liên kết được các đối tác để triển khai chương trình xúc tiến quảng bá có quy mô lớn. Đặc biệt, trong năm 2024, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam đã có dấu ấn, với Thủ tướng Chính phủ đã hai lần trực tiếp tham dự hội nghị xúc tiến du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông trên các trang mạng xã hội đã được đẩy mạnh. Một yếu tố rất quan trọng và được chúng tôi đánh giá cao là sự tác động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch trong việc làm mới các sản phẩm và nâng cao chất lượng. Các doanh nghiệp cũng đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới sau dịch COVID-19, với bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong thời gian vừa qua, được xác định là chiến lược phát triển du lịch: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu của khách, như du lịch chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, thể thao, tạo ra động lực mới, sức hấp dẫn và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.

Để đẩy nhanh tăng tốc phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu đề ra năm 2025 đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và đạt 120-130 triệu lượt khách nội địa theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo phương châm “kiến tạo phát triển”. Bộ VHTTDL đang triển khai rà soát, sửa đổi Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình cấp phép để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Song song đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh - đây là những yếu tố then chốt giúp tạo thuận lợi trong việc thu hút khách quốc tế. Đồng thời, phối hợp với ngành Hàng không để đề xuất mở rộng mạng lưới kết nối với các thị trường trọng điểm, cũng như làm việc với các ngành Nông nghiệp, Y tế, Đường sắt để phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch đặc thù như du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, và du lịch trải nghiệm bằng đường sắt - nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Thứ hai, Đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm du lịch.
Bộ BHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đối tác và doanh nghiệp xây dựng các chương trình kích cầu du lịch toàn quốc, tập trung vào các gói sản phẩm trọn gói hấp dẫn, chất lượng cao, giá thành hợp lý, hướng đến môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với những sự kiện chính trị - văn hóa trọng đại của đất nước như Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa lớn tại các địa phương nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế.
Đặc biệt, Bộ đang triển khai chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025 và các chương trình thu hút khách du lịch đối với thị trường Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách miễn thị thực, mở rộng thị trường quốc tế và đa dạng hóa nguồn khách đến Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới các phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch theo các thị trường mục tiêu, trọng điểm. Tăng cường quảng bá tại các thị trường trọng điểm thông qua việc tham gia các hội chợ du lịch lớn như ITB Berlin, WTM London, TRAVEX Malaysia, World Expo Osaka, cùng các chương trình kết nối doanh nghiệp tại Trung Quốc, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Nga và Tây Âu. Đẩy mạnh quảng bá qua sự kiện văn hóa - điện ảnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên hoan phim Cannes và các nền tảng số như CNN, Google, YouTube.
Trong nước, tập trung tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025, các hội chợ quốc tế (VITM, ITE) và các sự kiện lớn của đất nước, qua đó gắn xúc tiến du lịch với các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội nghị quốc tế. Song song là truyền thông đa kênh trên nền tảng số, mạng xã hội và ấn phẩm chuyên đề, nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch và kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các nền tảng số ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ đồng bộ cho các địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn ngành một cách hiệu quả và thống nhất.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý điểm đến. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến, chú trọng bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo an ninh cho du khách. Việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, đảm bảo uy tín của điểm đến và quyền lợi của du khách.
Với các giải pháp này, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước thân thiện, mến khách và hội nhập quốc tế./.