Quy định trình tự, thủ tục xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025” do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/4/2025 đã làm rõ các quy định trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết nêu trên là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới, hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương để hình thành thành phố trực thuộc trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ngày 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.
Định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp, đó là đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hướng thành thành phố trực thuộc trung ương thì tỉnh hình thành sau sắp xếp cần cơ bản đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc trung ương.
Về trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 quy định rõ:
1. Căn cứ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công UBND của một trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh cùng thực hiện sắp xếp chủ trì, phối hợp với UBND của đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có: Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này; Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan; 2 tờ bản đồ, gồm 1 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và 1 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
4. Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sắp xếp (cơ quan phối hợp) gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.
5. Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương chuẩn bị, tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
6. Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/5/2025. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
7. Hồ sơ đề án phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2025.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp...