Đại học Luật, Đại học Huế đón nhận Huân chương lao động hạng Ba
Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (2015 - 2025) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, Bằng khen của UBND TP Huế.

Ngày 13/4, Trường Đại học Luật, Đại học Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (2015 - 2025) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba. Đến dự có Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ) Chu Đức Nhuận, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, ông Bùi Văn Lợi – Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở ban ngành TP Huế cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên của trường qua các thời kì…
Trường Đại học Luật, Đại học Huế tiền thân là Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế được thành lập từ năm 1957 và tồn tại đến năm 1975, sau một thời gian gián đoạn và năm 1990 Bộ môn Pháp lý được tái lập thuộc Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế). Qua quá trình phát triển, đến năm 2000 Bộ môn Pháp lý được nâng cấp thành Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và đến tháng 8/2009 Khoa Luật chính thức trực thuộc Đại học Huế.
Cột mốc quan trọng nhất đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của trường là ngày 3/3/2015 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế bao gồm 6 phòng chức năng, 5 khoa trực thuộc, 3 trung tâm. Hiện nay, trường đang đào tạo giáo dục đại học gồm 1 chương trình đào tạo tiến sĩ Luật kinh tế, 2 chương trình đào tạo thạc sĩ là Luật kinh tế, Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, 2 chương trình đào tạo đại học là Luật kinh tế và Luật, năm 2022 xây dựng 2 chương trình đào tạo song ngữ Việt - Anh đối với ngành Luật và Luật kinh tế.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã cấp bằng đại học cho hàng ngàn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nước bạn Lào và góp phần quan trọng bồi đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, phối hợp với các trường đại học, các doanh nghiệp tổ chức 9 hội thảo khoa học cấp quốc gia, 5 hội thảo khoa học cấp quốc tế và đón 17 đoàn chuyên gia nước ngoài từ Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Estonia, Đức… đến tham gia hội thảo, giảng dạy, trao đổi chuyên môn với cán bộ giảng viên và người học.
Hiện nay, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đang đảm nhiệm vai trò “Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam (Vietnamese Law School Network) nhiệm kỳ 2024 – 2026” và được Tổ chức Times Higher Education (THE) xếp hạng Ngành Luật của Trường Đại học Luật, Đại học Huế vào bảng xếp hạng (nhóm 601+) thuộc nhóm Khoa học xã hội và Kinh doanh - Kinh tế. Trong những năm qua Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao như Cờ thi đua Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm học 2019 – 2020 và 2022 - 2023), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012 - 2013 và 2013 - 2014), Bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo có thành tích về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường (2010 – 2012), Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện năm 2011, Bằng khen của các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Tại lễ kỷ niệm, Thừa ủy quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước cho Trường Đại học Luật, Đại học Huế vì đã có nhiều đóng góp về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật khu vực miền Trung - Tây Nguyên và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. UBND Thành phố Huế cũng đã trao tặng Bằng khen cho tập thể Trường Đại học Luật, Đại học Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn (2015 – 2025).


Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Lợi - Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế cho biết, “Trải qua 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã khẳng định được vị thế, vai trò bản sắc riêng trong xã hội, đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực và trong cả nước. Trong những năm đầu thành lập dù còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất nhưng với quyết tâm phát triển của nhà trường, trường đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chương trình đạo tạo đại học, sau đại học phù hợp với nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển khoa học pháp lý của đất nước, đa dạng hóa chương trình đạo tạo, chuẩn hóa nội dung, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên giàu năng lực…”.

Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế cho biết thêm, "Trường Đại học Luật, Đại học Huế cần tiếp tục thực hiện tốt các chiến lược phát triển gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 527 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và chất lượng, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ có tiềm năng học thuật tham gia nghiên cứu học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước, mở rộng chính sách thu hút chuyên gia, luật sư, các giáo sư tham gia giảng dạy thực tiễn, tăng cường công tác hợp tác, liên kết hội nhập quốc tế, thiết lập mạng lưới đối tác với các trường đại học luật và các tổ chức pháp lý quốc tế, tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên, tổ chức các hội thảo quốc tế, diễn đàn chuyên ngành, ứng dụng chuyển đổi số trong đạo tạo và quản trị, số hóa giáo trình, tài liệu…”.


Trải qua 10 năm nỗ lực không ngừng, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng được một nền tảng vững chắc về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chất lượng và chương trình đào tạo hiện đại với giá trị cốt lõi “Tư duy – Sáng tạo – Trách nhiệm”.