Đề xuất lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Nhiều chuyên gia đề nghị cần có thêm đánh giá về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% với nước giải khát có đường, nếu áp dụng thì cần có lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian thích ứng.

Chiều 4/4, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm "Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì.
Trước đó, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2024, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là đã bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, với thuế suất 10%.
Theo dự thảo Luật, mục đích của việc sửa đổi là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Đề xuất lùi thời hạn áp thuế
Phát biểu tại tọa đàm, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho biết, khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật, đặc biệt là phần thuyết minh đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này.
Ý kiến của nhiều chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế TTĐB như tại dự thảo Luật chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế.

Trong khi đó, theo PGS - TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, có 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì tại Việt Nam, bao gồm: Khẩu phần ăn và dinh dưỡng; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế - xã hội; ngủ ít và suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.
Từ đó, ông Dũng cho rằng, nước giải khát có đường (thuộc nhóm dinh dưỡng) không phải là nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ngoài ra, so sánh với tỉ lệ thừa cân béo phì trung bình ở các nước ASEAN là 33,96% thì Việt Nam vẫn thấp hơn, ở mức 18,3%.
"Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng, tuy nhiên, đang được kiểm soát tốt và thuộc nhóm thấp nhất so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới", ông Dũng nói và nhấn mạnh, không nên đơn thuần coi việc tiêu thụ đường hay một sản phẩm cụ thể nào là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
Năm 2024, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khảo sát về mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam với 1.128 người tham gia.
Công bố kết quả khảo sát này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công của Đại học Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, người tiêu dùng trẻ tuổi có nhu cầu cao hơn với các thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng và các sản phẩm trà sữa; ít ưu tiên hơn sản phẩm nước giải khát.
Mặt khác, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị thấp hơn của trẻ em khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh thành thị lại cao hơn học sinh nông thôn; cho thấy hoàn toàn chưa có cơ sở để khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.
Từ đó, ông Việt cho rằng, chính sách áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường không bảo đảm được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Thêm vào đó, việc đề xuất áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường mà bỏ qua các sản phẩm chứa đường khác đang được người tiêu dùng ưu tiên nhiều hơn, có thể làm tăng nguy cơ người dân lựa chọn đồ uống thay thế không nguồn gốc, nhãn mác và không làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.
Đây cũng là quan điểm của ông Dương Đình Giám, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi cho rằng, nếu chỉ cảnh báo nước giải khát có đường là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng chỉ chú ý vào đó mà bỏ quên những thực phẩm có nguy cơ cao khác như bánh gato, bánh quy, trà sữa…
Mặt khác, theo ông Giám, hiện nay dưới góc độ người tiêu dùng, sử dụng đồ uống có đường là nhu cầu có thật, ngoài mục đích giải khát thì nó còn cung cấp năng lượng cho người lao động nhất là ở khu vực nông thôn.
Cân nhắc giãn lộ trình áp dụng
Đưa ra kiến nghị cho vấn đề này, ông Dương Đình Giám cho rằng, trước hết cần có nghiên cứu đánh giá để khẳng định nước giải khát có đường là "thủ phạm" chính gây thừa cân béo phì, nếu đúng như vậy thì hạn chế sử dụng bằng công cụ thuế là hợp lý.
Tuy nhiên, vị này cho rằng nếu đánh thuế thì vẫn cần có lộ trình để người tiêu dùng có thời gian chuyển sang đồ uống khác, tránh việc họ sử dụng đồ uống trôi nổi, chưa biết có giảm được thừa cân béo phì hay không nhưng chắc chắn gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở góc độ khác.
"Ngoài ra, việc giãn lộ trình áp thuế còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian đầu tư công nghệ để chuyển đổi sản xuất, tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp", ông Giám nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn (do mới hồi phục sau Covid-19, cộng với rủi ro thuế quan của Mỹ, đồng thời phải thực hiện tinh gọn bộ máy...), việc áp thuế TTĐB hàng tiêu dùng trong lúc này sẽ làm giảm sức cầu, làm hạn chế động lực tăng trưởng để hướng tới mục tiêu tăng GDP 8% năm nay.

PSG. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, ngành đồ uống có những đóng góp nhất định vào kinh tế, xã hội, môi trường ở trung ương và địa phương nên chính sách thuế đối với nhóm này cần được áp dụng thận trọng, tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đối với dự thảo Luật Thuế TTĐB sắp trình Quốc hội thông qua, ông Việt cho rằng, cần có thêm thời gian để đánh giá, hoàn thiện, chỉnh lý.
“Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành nước giải khát mong đợi các nhà hoạch định chính sách xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong trường hợp, Chính phủ đã có đủ cơ sở để áp thuế mặt hàng này thì cần thận trọng cân nhắc một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp”, Chủ tịch VBA nói./.