Văn hóa – Di sản

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm

Trung Kiên 07:56 02/04/2025

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 – 2030” (sau đây gọi là Đề án).

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO

Đề án do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng. Đến hiện tại, Đề án đã xây theo quy định, tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến thỏa thuận, góp ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

trao-bang.jpeg
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đón Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh tư liệu/tháng 1/2015).

Theo UBND tỉnh Nghệ An, Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, mang bản sắc riêng của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ. Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, Nhân dân Việt Nam nói chung.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một “thổ sản”, một sản phẩm văn hóa đại diện, tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh, chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân người Việt thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mang đặc thù của âm sắc giọng nói xứ Nghệ. Di sản này đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân xứ Nghệ, phản ánh bản sắc và sự kế tục những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng; có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị tiêu biểu, phổ biến và vẫn được cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh thực hành trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội ngày nay, không chỉ ở phạm vi địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn lan tỏa trong cộng đồng người Nghệ xa quê ở trong và ngoài nước.

Vì vậy, bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng cư dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cần thiết, góp phần giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng nhất của cộng đồng, đại diện cho bản sắc của vùng văn hóa xứ Nghệ trong lịch sử, không trộn lẫn với các vùng văn hóa khác. Bảo vệ, phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ và phát huy tính đa dạng, độc đáo của dân ca Ví, Giặm trong tỉnh, tính đa dạng trong phân vùng địa lý tự nhiên và sự đa dạng trong sự phát triển của các hình thức thực hành dân ca Ví, Giặm trên địa bàn, góp phần duy trì bản sắc của cộng đồng địa phương, có sức hút với phát triển du lịch bền vững, trở thành một nội lực phát triển kinh tế, một sản phẩm văn hóa đem lại sức hút đối với công chúng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, việc xây dựng Đề án còn nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, những nguy cơ, thách thức trong thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay, đồng thời nhằm thực hiện đúng cam kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh.

dan-ca-vidam.jpg
Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) do các nghệ sỹ của Trung tâm bảo tồn dân ca xứ Nghệ và các CLB Ví Giặm của địa phương biểu diễn.

“Để bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì việc xây dựng đề án Bảo vệ, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2026 - 2030 là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết, nguy cơ, thách thức trong thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay, đồng thời phát huy các tiềm năng, nguồn lực tại địa phương để đảm bảo sức sống của di sản trong cuộc sống hôm nay và trong tương lai, đồng thời góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh” – nội dung Đề án nhấn mạnh.

Đích đến, giải pháp rõ ràng để Dân ca Ví, Giặm trường tồn

Mục tiêu cụ thể của Đề án, đến năm 2030 phấn đấu khu vực đồng bằng có 90%, khu vực miền núi có 30% đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn có thực hành dân ca Ví, Giặm thành lập câu lạc bộ. Phấn đấu thành lập thêm 2 - 3 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở các tỉnh khác và thành lập 1 - 2 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở nước ngoài. Đồng thời đưa dân ca Ví, Giặm vào chương trình giảng dạy cho học sinh ở tất cả các trường phổ thông tại các địa bàn có thực hành dân ca Ví, Giặm ở tỉnh Nghệ An; phấn đấu mỗi trường phổ thông có 1 giáo viên được tập huấn giảng dạy dân ca một cách bài bản.

Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu đầu tư đồng bộ hiện đại hệ thống trang thiết bị cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh; 80% câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm được chính quyền địa phương thành lập, quản lý hoạt động hiệu quả được hỗ trợ trang thiết bị cần thiết như âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ biểu diễn; hỗ trợ kinh phí dàn dựng, tập luyện, xây dựng các chương trình dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hàng năm và chương trình tham gia các hoạt động ngày hội, Festival, liên hoan, hội thi, hội diễn...

Hằng năm tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa phi vật thể; Tập huấn/truyền dạy cho các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; học sinh, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh… Mỗi năm xây dựng/phục dựng 4 vở diễn có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật để phát sóng truyền hình trực tiếp phục vụ Nhân dân. Tổ chức thường xuyên các show diễn (dailyshow) tại Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để phục vụ khán giả. Và 100% nghệ nhân dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo chính sách của Trung ương và của tỉnh...

dan-ca-vidam-2.jpg
Thời gian qua, công tác truyền dạy nhằm bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh quan tâm, đẩy mạnh.

Để hoàn thành mục tiêu, Đề án đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp, đó là: (1) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; (2) Tăng cường nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa, câu lạc bộ; (3) Phát triển nguồn nhân lực; (4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản; (5) Phát triển dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với các hình thức thể hiện mới, lấy Ví, Giặm làm chất liệu sáng tác các tác phẩm nghệ thuật mới; (6) Quảng bá, phổ biến, tuyên truyền dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; (7) Tăng cường hợp tác, lồng ghép các hoạt động, xây dựng các hành trình kết nối di sản gắn với phát triển du lịch; (8) Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm gắn với phát triển du lịch. Lộ trình thực hiện được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2026 - 2028, giai đoạn 2 từ năm 2029 – 2030.

Kết luận Đề án, UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, Đề án đã phân tích rõ sự cần thiết, những nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm bảo vệ và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh một cách thận trọng và trên cơ sở nền tảng, tinh thần của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003. Đề án cũng hướng tới bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như là một động lực phát triển kinh tế bền vững ở Nghệ An, Hà Tĩnh, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng địa phương trên diễn đàn quốc gia và quốc tế.

Nội dung của Đề án như là một chiến lược bảo vệ và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách như là một kế hoạch tổng thể của các kế hoạch, nhiệm vụ, chính sách, nguồn lực, cơ sở vật chất và vai trò của các bộ ngành liên quan. Kế hoạch hành động này nhằm hướng tới bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ ngày nay và cho con cháu mai sau trước nguy cơ bị mai một, và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai làm suy giảm bản sắc văn hóa của các vùng, miền.

Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 – 2030” được phê duyệt và triển khai các dự án thành phần sẽ là một trong những ví dụ điển hình thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO vinh danh. Đề án góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI./.

Trung Kiên