Trung Quốc xả lũ, mực nước thượng nguồn sông Hồng lên trên báo động 1

Tin tức - Ngày đăng : 15:42, 21/08/2020

Sau khi Trung Quốc xả lũ hồ chứa thủy điện Mã Đổ Sơn (tỉnh Vân Nam), lưu lượng nước đổ về khiến mực nước sông Hồng tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) tăng nhanh lên trên báo động (BĐ) 1.
Từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 20/8, Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tiến hành xả lũ. Dù phía Trung Quốc không cho biết cụ thể lưu lượng xả, tuy nhiên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000  - 1.500 m3/s, mực nước sông Thao (dòng chính của sông Hồng) tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức BĐ2 đến trên BĐ2 khoảng 1,0m.
Từ tối qua đến sáng nay, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã thường xuyên liên hệ trực ban các tỉnh, theo dõi sát tình hình diễn biến lũ trên sông Hồng, sông Thao. Đến 5 giờ sáng nay (21/8), mực nước trên sông Hồng tại TP Lào Cai tăng 0,88m, lên mức 80,55m, trên BĐ1 là 0,55m.
Đến 7 giờ sáng nay, mực nước sông Hồng tại TP Lào Cai giảm một chút, xuống còn 80,43m, nhưng vẫn trên mức BĐ1 là 0,43m. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng được nhận định sẽ tiếp tục lên trong 12 giờ tới, sau đó xuống. Tại Hà Nội, lúc 7  giờ ngày 22/8, mực nước sông Hồng có khả năng ở mức 5,10m, vẫn dưới mức BĐ1 (9,5m).
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên, xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m. Từ ngày 21 - 22/8, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức BĐ3; sông Lô, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức BĐ1 - BĐ2.
Để chủ động phòng chống nguy cơ ngập lụt do mưa kéo dài và biến động mực nước sông, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh lưu vực sông Hồng tập trung triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án di dời người dân khỏi khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn.
Cùng với đó, khẩn trương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

KTĐT