Những lễ hội cung đình thời Lý

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 19:53, 25/08/2020

Thời Lý, kinh đô Thăng Long có hai lễ hội do triều đình đứng ra tổ chức rất lớn về quy mô và số người tham gia là hội thề ở đền Đồng Cổ và lễ hội đèn Quảng Chiếu.
Những lễ hội cung đình thời Lý
Đền Đồng Cổ ngày nay.

Về việc vua Lý Thái Tông dựng đền thờ Đồng Cổ năm 1028, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi tỉnh dậy, sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm”. Trong tín ngưỡng của người Việt cổ, trống đồng là một vật linh thiêng vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng (thần Đồng Cổ).

Về vị trí của đền, theo Đại Việt sử ký toàn thư, đền ở “bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ”, nghĩa là đền Đồng Cổ nằm trong Hoàng cung thành Thăng Long. Về lễ hội Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lấy ngày 25 tháng ấy (tháng 3 âm lịch) đắp đàn, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo, ở trước thần vị đọc lời thề rằng: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết. Các quan từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 gặp ngày quốc kỵ, hoãn đến ngày mồng 4 tháng tư”.

Có nhà nghiên cứu sử cho rằng, đền gồm 2 tầng, tầng dưới để vua ngự mỗi khi đến thăm, tầng trên thờ thần. Từ năm 1028, lễ hội đền Đồng Cổ đã trở thành một ngày hội lớn của dân chúng Thăng Long. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, lễ hội đã bị gián đoạn. Đến triều Trần, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hằng năm ngày 4-4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều.

Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra, đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết. Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương ở cạnh đường để xem, cho là hội lớn”.

Từ một niềm tin dân gian, khi đem vào triều đình lễ hội, đền Đồng Cổ đã được nâng tầm quốc gia theo một lễ thức vô cùng trang nghiêm. Và để dân nghe được những lời thề cốt nhục ấy, vua đã cho phép dân chúng tham gia, vì thế, lễ hội cung đình này thu hút hàng vạn lượt người dân Thăng Long với hai tư cách: Tham gia và chứng kiến khiến lễ hội thiêng liêng hơn.

Về vị trí, đền Đồng Cổ hiện ở 353 phố Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ) có phải là vị trí đền từ thời Lý? Một số nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, đền Đồng Cổ thời Lý được xây dựng trong kinh thành, khi các triều vua sau mở rộng thành đã chuyển ra làng Thụy Chương (nay là Thụy Khuê). Rồi chiến tranh nên đền bị đốt phá. Sau này, dân chúng đã di chuyển đến vị trí hiện nay. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ, sau đó, dân góp tiền xây lớn hơn.

Khi Pháp tái chiếm Hà Nội năm 1946, đền bị quân Pháp phá nát, chỉ còn hậu cung. Từ những năm 1990, dân phường Bưởi đã lần lượt trùng tu đền hoàn chỉnh, uy nghiêm và có tính mỹ thuật cao như hiện nay. Hằng năm, vào ngày 4-4 âm lịch, người dân phường Bưởi tổ chức hội thề trung -hiếu, vừa là duy trì cổ lễ vừa để nhắc nhở mọi người giữ tròn chữ hiếu, trung.

Một hội lớn khác trong cung đình xưa là hội đèn Quảng Chiếu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tý (1120), mùa xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và “Vào năm Bính Ngọ (1126), mùa xuân, tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày, đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”. Tuy nhiên, vì sách và văn bia bị giặc Minh đốt phá, đem về nước nên các nhà chép sử không thể lưu lại một cách đầy đủ, chỉ ghi lại những nét chính là đèn được làm thành nhiều tầng, trên các tầng có pháo bông đốt ở bãi sông Tô Lịch phường Yên Thái và diễn rối nước ở sông Nhị cho dân xem. Lễ hội đèn Quảng Chiếu với mục đích cầu cho vua khỏe mạnh, sống lâu nhưng nó đã trở thành một lễ hội lớn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa mong muốn phục dựng lại lễ hội này, tuy nhiên, vì thiếu tư liệu nên không biết lễ thức thế nào, nội dung ra sao, do vậy chưa thể phục dựng được.

hanoimoicuoituan