Y tế - Giáo dục

Ngành Giáo dục thị xã Sơn Tây với những bước tiến lớn trong chuyển đổi số

Sơn Dương 11:45 20/02/2025

Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục mũi nhọn giai đoạn 2021-2025” của UBND thị xã Sơn Tây, những năm học qua, ngành GD&ĐT thị xã Sơn Tây đã tập trung cao độ và coi việc ứng dụng CNTT, giáo dục STEM, chuyển đổi số là chìa khóa, nhiệm vụ trọng tâm nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, công tác quản lý, dạy và học, để tạo ra những giá trị mới cho ngành giáo dục.

Phát huy khả năng tư duy của học sinh

Trao đổi về công tác chuyển đổi số, nhà giáo An Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Sơn chia sẻ: Năm học 2024-2025, trường có 1156 học sinh với 29 lớp học, 100% học sinh học chương trình 2 buổi/ngày. Với số lượng học sinh đông như vậy, nếu quản lý theo cách truyền thống bằng hồ sơ giấy thì rất khó khăn, phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, nhà trường đã quản lý học sinh bằng hồ sơ điện tử và học bạ điện tử. Hiện học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 được học môn Tin học, thầy cô giao bài cho học sinh thông qua phụ huynh trên nhóm zalo.

Ngồi trước màn hình máy tính trong phòng máy của trường, em Nguyễn Nhật Khánh An, học sinh lớp 4A5 hồ hởi: “Em được học tin học ở trường từ năm lớp 3, được cô giáo tận tình hướng dẫn em thấy rất thú vị, nhất là môn vẽ. Ở nhà chưa có máy tính nên lúc nào em cũng muốn đến trường để học”.

phong-may-tinh.jpg
Phòng máy tính tại Trường THCS Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Tại trường THCS Ngô Quyền, không đơn thuần sử dụng những công cụ học tập truyền thống mà ở những tiết học, đặc biệt là các môn xã hội như: lịch sử, địa lí, sinh học,... giáo viên truyền thụ bài giảng cho học sinh thông qua các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video, hình ảnh. Điều này giúp học sinh hiểu bài, có sự tương tác, hứng thú với nội dung học. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy giúp thể hiện bài giảng một cách trực quan hơn, tăng cường khả năng giao tiếp. Đồng thời, quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, còn tạo cơ hội cho các thầy cô tăng cường sử dụng văn bản, soạn và sử dụng giáo án điện tử. Xây dựng thư viện học liệu điện tử trên Website để giáo viên, học sinh chia sẻ, sử dụng trong cả dạy, học và trong kiểm tra, đánh giá giáo viên.

“Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, các thầy cô đã có những cách làm mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Đó là trước mỗi bài giảng, thầy cô quay video trên thực tế rồi gửi vào nhóm zalo của phụ huynh nhắc các em tìm hiểu trước. Với cách tiếp cận bài học như vậy, sự sáng tạo của học sinh, khả năng tương tác, hợp tác, học nhóm được nâng cao, tạo môi trường cho các em thi đua học tập. Việc ứng dụng CNTT đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, có kiến thức sát thực tế hơn” – cô giáo Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.

Hướng đến chuyển đổi số sâu rộng

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ và Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục mũi nhọn giai đoạn 2021-2025” của UBND thị xã Sơn Tây, ngành GD&ĐT thị xã Sơn Tây coi việc chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng CNTT là chìa khóa then chốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, công tác quản lý trong dạy và học.

Chính vì vậy, những năm học vừa qua, ngành Giáo dục thị xã Sơn Tây đã tích cực sử dụng các nền tảng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành như: Hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến; triển khai học bạ số, chữ ký số; xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện trong công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; xây dựng phần mềm trường học số (thư viện học liệu điện tử toàn ngành; hỗ trợ các trường chuyển đổi số...).

5d490bb1-c0fe-457d-9b81-32c38cefbf10.jpg
Các đại biểu tham quan khu trưng bày tại Ngày hội công nghệ thông tin và STEM lần thứ VI năm học 2023 - 2024.

Bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây cho biết, những năm học gần đây, thị xã Sơn Tây đã đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường học, đảm bảo cơ bản các điều kiện dạy và học. Số phòng học, phòng chức năng kiên cố trong các trường đạt 100%. 100% các trường được trang bị máy vi tính phục vụ cho công tác quản lý và dạy học, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS đang triển khai giáo dục STEM/STEAM lồng ghép trong các bài học và hoạt động giáo dục năm học 2024-2025.

Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây đã đầu tư 7 dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT với số vốn đã giải ngân là 227,644 tỉ đồng; trong đó, hoàn thành đầu tư mua sắm gói trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, trang bị phòng bộ môn tin học cho 100% các trường tiểu học với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số. 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối Internet cáp quang băng thông rộng phục vụ quản lý, dạy học và tra cứu thông tin. Mỗi trường đều có phòng học, phòng họp trực tuyến, phòng máy tính quy chuẩn hiện đại. Nhiều phòng học đã lắp đặt Smart TV và các thiết bị thông minh.

Nhiều buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn được kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống trang thiết bị CNTT được đầu tư. Để vận hành, mỗi trường đều có giáo viên tin học, được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ thường xuyên. Phòng GD&ĐT duy trì việc đánh giá hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của từng trường. Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng GD&ĐT phối hợp tổ chức hội thi tin học trẻ toàn thị xã với nội dung thi tìm hiểu kiến thức tin học và thi viết phần mềm sáng tạo, thu hút nhiều học sinh từ cấp tiểu học tham gia.

nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn-uploads-images-thanhha-2023-04-28-_img_20230428_093520-1-.jpg
Bấm nút khai trương Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

Đặc biệt, thị xã Sơn Tây đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giáo dục thông minh cung cấp gói Giải pháp phần mềm Thư viện - Thiết bị số, phần mềm mô phỏng bài thực hành một số môn học ở 16 trường THCS và 15 trường tiểu học.

Dự án gồm 4 hạng mục: Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh; hệ thống thư viện - thiết bị số trường học tiểu học, THCS; phần mềm mô phỏng bài thực hành các môn học cấp THCS theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (gồm 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học); phần mềm mô phỏng bài thực hành các môn học cấp tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Hiện nay, ngành Giáo dục thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hệ thống thông tin quản lý trường học tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT đối với toàn bộ cơ sở giáo dục trong toàn thị xã. Áp dụng hồ sơ, sổ sách điện tử chính thức (từ cấp tiểu học đến THCS). Các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập sử dụng phần mềm quản lý trường học từ mầm non đến phổ thông, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc quản lý hồ sơ, sổ sách chuyên môn. Việc triển khai thanh toán các loại phí trong nhà trường với phương châm hạn chế dùng tiền mặt cũng được các cơ sở áp dụng, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn./.

Sơn Dương