Y tế - Giáo dục

Ngành giáo dục huyện Thanh Trì đột phá với chuyển đổi số

Sơn Dương 11:35 20/02/2025

Những năm gần đây, ngành Giáo dục huyện Thanh Trì đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy. Thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách với 100% các nhà trường trên địa bàn huyện.

Theo đó, 100% các trường TH, THCS đã trang bị chữ ký số cho CB, GV. Thực hiện tốt việc triển khai học bạ số ở cấp Tiểu học trong năm học 2023-2024, năm học 2024-2025 tiếp tục triển khai ở cấp THCS. Tăng cường công tác truyền thông, cập nhật thường xuyên, hiệu quả thông tin về các hoạt động giáo dục của từng trường trên cổng thông tin điện tử và fanpage của mỗi đơn vị.

Thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2026”, những năm học gần đây, phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã quan tâm, làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trong huyện, đảm bảo đầy đủ các điều kiện thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy.

z6329262328119_45c73b3353dd559fb0c2068350126e58.jpg
z6329262367285_6fd84781e9a5b0a811f15fb1c10c122f.jpg
100% các trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì đã có đầy đủ máy tính phục vụ công tác giảng dạy cho giáo viên và các em học sinh.

Theo số liệu mới nhất từ ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì, hiện nay 100% các lớp học trong các trường Tiểu học, THCS có đầy đủ máy chiếu (hoặc ti vi), đường truyền mạng phục vụ công tác giảng dạy; 100% các trường có camera giám sát đảm bảo tốt an ninh, an toàn trường học; 100% các trường Tiểu học, THCS có phòng thực hành máy tính nối mạng Internet cáp quang đường truyền tốc độ cao để phục vụ dạy và học. Đảm bảo 1 học sinh/1 máy tính. Có nhiều trường có 02 phòng Tin học với trang thiết bị hiện đại; có hệ thống thiết bị dạy học thông minh phục vụ trong việc dạy học; 100% các trường đã sử dụng phần mềm Enetviet, triển khai sử dụng học bạ điện tử; nhiều trường sử dụng sổ điểm điện tử… và thực hiện các giải pháp trao đổi thông tin về học tập, rèn luyện với phụ huynh học sinh qua phần mềm EnetViet, Zalo; 100% các nhà trường sử dụng phần mềm xếp thời khóa biểu, phần mềm quản lý thi đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó còn có một số trường ứng dụng tốt mô hình trường học điện tử, sử dụng phần mềm lịch báo giảng điện tử, hệ thống quét vân tay điểm danh học sinh…

z6329266023427_07713a228092532cee0fbe922bb12034.jpg
Trung tâm điều hành giáo dục thông minh của huyện Thanh Trì.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được thực hiện thường xuyên và đạt kết quả cao, hiện nhiều trường đã được trang bị màn hình Led hội trường phục vụ hội nghị hoặc tổ chức sự kiện (Tại sân khấu, Phòng HĐSP, Phòng Đa năng; 13 trường được đầu tư phòng học thông minh, giúp khai thác tối đa tiềm năng CNTT phục vụ các giờ dạy cũng như một số hoạt động giáo dục khác. Đặc biệt, năm 2023 phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã trang bị và đưa vào hoạt động trung tâm điều hành giáo dục thông minh ngành GD&ĐT đồng bộ các dữ liệu và kết nối camera với toàn bộ các trường trên địa bàn huyện giúp quản lý mọi mặt hoạt động của các nhà trường một cách hiệu quả và thuận tiện.

Đồng thời, trong những năm qua, các trường trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc cập nhật thông tin, dữ liệu và đã thực hiện đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành và hệ thống IOC của Thành phố. 100% giáo viên đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Sự sáng tạo, ứng dụng linh hoạt các phần mềm và hiệu quả của công nghệ đã được các giáo viên nỗ lực trau dồi và áp dụng vào bài giảng.

Với sự chỉ đạo sát sao về công tác chuyển đổi số của Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì, cùng với sự tâm huyết, yêu nghề, năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã tạo nên những chuyển biến vô cùng tích cực cho ngành GD&ĐT huyện.

z6329262331080_d94458bf83a606c8f9f104a0e3bfd702(1).jpg
Việc triển khai chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đã đem lại những tín hiệu vô cùng tích cực cho ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì nói riêng và ngành GD&ĐT Thủ đô nói chung.

Cho biết về công tác thực hiện chuyển đổi số của nhà trường, cô Bùi Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường THCS Tứ Hiệp chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ vào công tác giảng dạy đi kèm phương pháp dạy học mới như sử dụng các phần mềm, các nền tảng dạy học trực tuyến hỗ trợ giảng dạy: PowerPoint, canva, google classroom, phần mềm soạn giảng, chấm và tạo đề kiểm tra… việc trao đổi thông tin, văn bản trong nhà trường đều thực hiện bằng phương pháp điện tử; nhiều phần mềm được sử dụng trong quản lý như phần mềm nhắn tin liên lạc điện tử, phổ cập, quản lý nhân sự, quản lý hồ sơ sổ sách, quản lý các khoản thu không dùng tiền mặt… khai thác kênh thông tin trên các Website của nhà trường, zalo, facebook, việc ứng dụng, sử dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử của giáo viên, quản lý học sinh, kế hoạch giáo dục... được nhà trường ứng dụng phục vụ hiệu quả công tác quản lý”.

Chính việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy mà tại Ngày hội CNTT-STEM cấp Thành phố, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã được Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận và khen thưởng: 02 giải Nhất về công tác tổ chức và gian trưng bày; 06 giải về thi kỹ năng CNTT giáo viên (01 Nhất, 03 Nhì, 02 Ba); 06 giải về thi kỹ năng CNTT nhân viên (01 nhất, 02 Nhì, 01 Ba, 02, Khuyến khích); 17 bài giảng e-Learning (05 Nhì, 06 Ba, 06 Khuyến khích).

z6329262384609_1c2d32c0ba758ae26dd541b5c271817e.jpg
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang thăm quan gian hàng của ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì tại Ngày hội CNTT-STEM cấp Thành phố.

Cho biết thêm về giải pháp thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết: “Sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên của toàn ngành về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số của ngành. Tăng cường rà soát, nắm tình hình triển khai, thực hiện các trang thiết bị cũng như việc ứng dụng thực hiện các phần mềm được đầu tư, trang bị cho các trường để thực hiện có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, đã được đầu tư nhưng không khai thác, sử dụng. Tiếp tục phối hợp các ngành có liên quan và các đơn vị cung cấp phần mềm, tổ chức các cuộc tập huấn để cung cấp kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên phụ trách; chủ động tham mưu cho UBND huyện ưu tiên nguồn kinh phí để duy trì, nâng cấp các phần mềm đã được đầu tư, trang bị thêm các giải pháp về công nghệ số để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới”.

Có thể nói, công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học, bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động, được đông đảo cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và cả học sinh đồng tình hưởng ứng. Từ đó tạo được sự lan tỏa đến từng phụ huynh, gia đình và cả xã hội, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tạo sự lan tỏa rộng rãi để tiến tới xây dựng một xã hội số văn minh và hiện đại./.

Sơn Dương