Xây dựng chính phủ điện tử là vấn đề thúc bách để đưa đất nước phát triển
Tin tức - Ngày đăng : 08:17, 27/08/2020
Chiều 26/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử chủ trì phiên họp. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành tham dự.
Tháo gỡ, thúc đẩy chính phủ điện tử ở Việt Nam
Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng chính phủ điện tử là vấn đề lớn, mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2020). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. |
|
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.
Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, UBND TP xây dựng báo cáo kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy, thời gian qua, Thành phố đang xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Thành phố tiếp tục tổ chức thuê Trung tâm dữ liệu chính để triển khai tập trung các hệ thống thông tin dùng chung của Thành phố; rà soát, mở rộng hạ tầng đường truyền số liệu chuyên dùng của Thành phố đến các cấp và đối tượng theo yêu cầu, phù hợp phạm vi và tình hình triển khai Chính quyền điện tử Thành phố, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, kết nối, an toàn thông tin.
Tổ chức triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành giao thông, giám sát giao thông thành phố Hà Nội. Dự kiến trong Quý IV/2020 sẽ đi vào hoạt động. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị phương án triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Hà Nội (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Triển khai từng bước các hạ tầng kỹ thuật phục vụ các ứng dụng thông minh như: Lắp đặt hệ thống Camera giám sát trên địa bàn quận, huyện, thị xã theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được UBND Thành phố ban hành; đảm bảo kết nối, chia sẻ các dữ liệu với Công an thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải theo hướng quản lý, điều hành tập trung, chia sẻ cho các đơn vị theo phân cấp quản lý; triển khai wifi công cộng miễn phí tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội (tại các địa bàn Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông; thị xã Sơn Tây),...
Trước diễn biến của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp người dân Thủ đô nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh. Ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City cung cấp tính năng “Phản ánh” tiếp nhận kiến nghị về y tế (về người nghi nhiễm, thông tin vi phạm phòng, chống dịch Covid-19) và tích hợp các ứng dụng dùng chung, thông minh của thành phố Hà Nội để phục vụ người dân và doanh nghiệp (môi trường, giao thông, giáo dục, an ninh…).
Nhiệm vụ trong 4 tháng cuối năm 2020, Hà Nội sẽ ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành tham dự. |
|
Đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành giao thông, giám sát giao thông thành phố Hà Nội. Đồng thời triển khai lắp đặt hệ thống Camera giám sát trên địa bàn quận, huyện, thị xã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành giao thông, giám sát giao thông thành phố Hà Nội.
Tiếp tục duy trì, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu.
Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.
Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…
Theo Thủ tướng, lực lượng trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở Việt Nam, “không có thì khó thành công”. Thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỉ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2/2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27%, nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỉ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).
Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng Việt Nam để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay hàng chục nền tảng đã được ra mắt.
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai tích cực nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị |
|
Thủ tướng nhìn nhận xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối/chia sẻ dữ liệu; dành tỉ lệ chi thích đáng từ ngân sách Nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả mà tiêu biểu như tỉnh Bình Phước chi hơn 1% từ ngân sách Nhà nước cho CNTT.
Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của Bộ Y tế, tỉnh Bình Phước về bài học quan trọng là phát huy vai trò của người đứng đầu.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.
Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.
Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý III/2020.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT.
Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
Bộ TT&TT chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12/2020.
Bộ TT&TT xây dựng đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa với cơ cấu tổ chức phù hợp, chế độ ưu đãi…, bảo đảm năng lực, nguồn lực để dẫn dắt tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng xem xét trong thời gian sớm nhất.
Bày tỏ ấn tượng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới với doanh số rất cao, Thủ tướng nhấn mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số, các doanh nghiệp công nghệ phát triển, “thể chế nào ràng buộc thì các đồng chí báo cáo” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
kinhtedothi