Đời sống văn hóa

Hàng ngàn du khách đổ về Nam Định dự Khai Ấn đền Trần năm 2025

Nguyễn Lâm 14:32 12/02/2025

Tối 11/2 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đã diễn ra Lễ Khai Ấn đền Trần 2025.

anh-chup-man-hinh_12-2-2025_941_nhandan.vn.jpeg
Các đại biểu thành kính dâng hương tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Hằng năm cứ vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, tại Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần-Chùa Tháp, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định diễn ra nghi Lễ Khai ấn.

Đây là một tục lệ cổ tại Tiên miếu nhà Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao, cầu mong quốc thái dân an, mọi nhà chung hưởng lộc ấn "Tích phúc vô cương" của đền Trần.

Lễ Khai Ấn mang giá trị nhân văn sâu sắc với ý nghĩa "Tích phúc vô cương", thể hiện tinh thần gìn giữ gia phong, tích phúc để đời sau hưởng lộc bền vững. Đây không chỉ là nghi lễ linh thiêng mà còn là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách.

Từ 22 giờ 40 phút, nghi lễ rước Kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường diễn ra trang trọng. Trong không gian linh thiêng, lãnh đạo UBND thành phố Nam Định đọc diễn văn ca ngợi công lao của Vương triều Trần và khẳng định ý nghĩa quan trọng của lễ hội.

Đến 23 giờ 15 phút, nghi lễ Khai Ấn chính thức được cử hành, 14 cụ cao niên cùng đại diện các ban, ngành tiến hành đóng dấu khai ấn lên những lá ấn giấy vàng, sau đó dâng lên các đình, chùa trên địa bàn.

anh-chup-man-hinh_12-2-2025_9257_nhandan.vn.jpeg
Kiệu ấn được rước từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, sau đó rước ấn vào nội cung để làm lễ xin Khai ấn. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Từ 23 giờ 55 phút, đền Trần mở cửa trở lại để người dân và du khách vào hành lễ. Từ 5 giờ sáng ngày 12/2 (15 tháng Giêng), nhà đền tổ chức phát ấn tại các điểm quy định, phục vụ nhu cầu xin ấn đầu năm.

Lễ hội Khai ấn đền Trần là một trong những lễ hội mùa Xuân tiêu biểu của vùng đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay, nơi phát tích của Vương triều Trần, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa, trở thành điểm du lịch tâm linh không thể thiếu của người người dân mỗi độ Xuân về.

Đây là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần-“Tích Phúc Vô Cương”, bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Tục lệ này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên Khu di tích đền Trần, Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm sẽ được tổ chức như: biểu diễn múa rối nước, múa lân-sư-rồng, chọi gà, thi đấu cờ người, trưng bày sinh vật cảnh, trưng bày các sản phẩm OCOP tại tỉnh Nam Định, triển lãm ảnh "Thành Nam những mốc son lịch sử," trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định.../.

Nguyễn Lâm