Kiến trúc - Quy hoạch

Trình Quốc hội xem xét đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Nguyễn Lâm 09:05 12/02/2025

Tuyến bắt đầu từ ga Lào Cai mới (kết nối với ga Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc) và kết thúc tại khu bến Lạch Huyện, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tuyến chính dài khoảng 390,9 km, 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.231 tỉ đồng, tương ứng khoảng 8,369 tỉ đô la Mỹ.

c4vs469i.png
Ảnh minh họa

Chiều 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII đã yêu cầu phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025. Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường thứ 9 xem xét, quyết định.

Để thực hiện thành công dự án này theo tiến độ yêu cầu, Chính phủ đề xuất áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, trong đó có 15/19 cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 và đề xuất bổ sung 4 cơ chế, chính sách khác.

Tuyến bắt đầu từ ga Lào Cai mới (kết nối với ga Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc) và kết thúc tại khu bến Lạch Huyện, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tuyến chính dài khoảng 390,9 km, 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.231 tỉ đồng, tương ứng khoảng 8,369 tỉ đô la Mỹ.

Về quy mô đầu tư, Dự án được xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đơn, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; đoạn tuyến chính tốc độ thiết kế 160 km/h; đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h; các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.

Để đảm bảo linh hoạt trong sử dụng vốn, dự án dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn hợp pháp khác. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến lập từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành cơ bản vào năm 2030.

Về tiến độ thực hiện, dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2030.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Ủy ban thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho Dự án tại các quy hoạch tỉnh của địa phương có Dự án đi qua./.

Nguyễn Lâm