Văn hóa

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025

Đình Thế 20:38 11/02/2025

Sáng 11/2, (tức ngày 14 tháng Giêng), UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025 tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Hạ, thuộc xã Minh Quang.

Dự buổi lễ có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách Thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, lãnh đạo sở, ngành và huyện Ba Vì.

Lan tỏa giá trị từ Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

dnt-8253.jpeg
Tiết mục văn nghệ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025.

Nói đến Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Tản Viên (hay còn gọi là núi Ba Vì) - ngọn “chủ sơn” của nước Việt, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Trong tâm thức dân gian của người dân xứ Đoài, Tản Viên Sơn Thánh là hiện thân của một vị thần núi, cai quản không gian thiêng của ngọn núi Tản cao chót vót phía Tây kinh thành Thăng Long - nơi đó là địa linh, ở vào vị trí trấn thủy trọng yếu chống lại sự tàn phá của thủy tai do dòng sông Đà và sông Hồng gây ra.

dnt-8418.jpeg
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đánh trống khai hội.

Tản Viên Sơn Thánh còn là hiện thân của nhân vật anh hùng chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang, liên minh các bộ tộc, bảo vệ địa bàn cư trú của cư dân.

Bên cạnh đó, Tản Viên Sơn Thánh còn là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của gia đình Ngài, việc thờ phụng được Nhân dân trong vùng lưu truyền và tiếp nối ngàn đời.

Vì thế, hành trạng và chiến công kỳ vĩ, lẫy lừng của hình tượng nhân vật Tản Viên Sơn Thánh đã có sức sống lâu bền trong tâm thức dân gian, được Nhân dân tôn kính, lập đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Xứ Đoài địa linh nhân kiệt.

Đặc biệt là cụm di tích lịch sử văn hóa Tản Viên Sơn trên núi Ba Vì. Và Ngài được phong tặng, tôn vinh là Đệ nhất Phúc thần, Thượng đẳng tối linh thần, Nam thiên thánh tổ, đứng đầu bất tử trong tín ngưỡng thiền điện Việt.

dnt-8366.jpeg
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh phát biểu khai hội.

Phát biểu tại Lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện Ba Vì hiện có 397 di tích, trong đó có 120 di tích thờ Đức Thánh Tản, 149 di tích đã được xếp hạng các cấp tiêu biểu như di tích đình Tây Đằng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; di tích đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là công trình kiến trúc tín ngưỡng có niên đại khởi dựng sớm nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ còn tồn lại đến ngày nay; di tích đình Chu Quyến là công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ nhất miền Bắc.

Nhận thức sâu sắc rằng “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng và là cốt lõi của bản sắc dân tộc”, suốt 17 năm qua, huyện Ba Vì kiên trì bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Nhờ đó, năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2024, di sản văn hóa Mo Mường cũng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận và đang được đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, nghệ thuật chiêng Mường và nghề thuốc nam của dân tộc Dao cũng được ưu tiên bảo tồn.

Điểm đến du lịch đặc sắc của Thủ đô

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025 nhằm khởi động, khuyến khích, quảng bá du lịch ngay từ những ngày đầu năm và thống nhất sẽ tổ chức chính lễ vào đúng ngày 14 tháng Giêng hàng năm.

dnt-8481.jpeg
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương du lịch Ba Vì năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định, không chỉ nổi danh với truyền thống văn hóa lâu đời, Ba Vì còn là vùng đất sinh thái và nông nghiệp phong phú. Huyện sở hữu hơn 100 khu, điểm du lịch tiêu biểu, như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khu di tích K9 Đá Chông, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, các trang trại đồng quê... với đa dạng sản phẩm du lịch từ tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng đến trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, huyện còn có hơn 150 sản phẩm mang thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và OCOP chất lượng cao, như sữa Ba Vì, chè búp khô, gà đồi - mật ong, miến rong Tố Tâm chay…

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, năm 2024, các khu điểm và cơ sở du lịch đón 2,8 triệu lượt khách, doanh thu trên 430 tỷ đồng. Có những khu điểm du lịch quy mô nhỏ nhưng bám sát thị hiếu và nhu cầu khách hàng nên đã thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa cộng đồng như Bản Miền - xã Ba Vì…

le-hoi-tan-vien-son-thanh-minh-quang76.jpg
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì và các đại biểu dâng tấu sớ tại đền Hạ.

Năm 2025, huyện phấn đấu hoàn thành quy hoạch vùng, trong đó chú trọng phân khu du lịch để thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng du lịch địa phương.

Sau Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và khai trương Năm du lịch huyện Ba Vì 2025, huyện khuyến khích các đơn vị lữ hành đổi mới, giới thiệu sản phẩm mới và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ba Vì - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, anh hùng cách mạng, xứng đáng là điểm đến du lịch đặc sắc của Thủ đô Hà Nội./.

Đình Thế