Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Ngày 12/2/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ chính thức được tổ chức với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Đây là lần đầu tiên sự kiện thơ lớn này được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đưa Ngày thơ Việt Nam đến gần hơn với công chúng cả nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức sáng ngày 6/2, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh chúng ta vừa long trọng kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm nước nhà thống nhất, vì vậy BTC chọn chủ đề Ngày thơ năm nay là “Tổ quốc bay lên”, lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Sự kiện do Hội Nhà văn Việt Nam và UBND Thành phố Ninh Bình phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Bảo tàng Văn học Việt Nam.
![1.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/06/1.jpg)
Trong khuôn khổ của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ có các hoạt động chính là tọa đàm, giao lưu, trưng bày. Cụ thể, đêm thơ sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12/2, tại Nhà hát Phạm Thị Trân (65 Lê Đại Hành, Hoa Lư) với sự tham gia của các nhà thơ thuộc ba thế hệ: thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thế hệ sau ngày thống nhất đất nước (1975) đến những năm đầu đổi mới (2000) và các nhà thơ trẻ thuộc thế hệ từ 2001 đến nay.
Trong đêm thơ, công chúng sẽ được thưởng thức các tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi bật như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lệ Thu, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên… cùng với các nhà thơ trưởng thành sau Đổi mới và đang tạo được dấu ấn trên văn đàn như: Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh, Nguyễn Quang Hưng, Phùng Thị Hương Ly.
Bên cạnh đó, đêm thơ còn có các tiết mục ngâm thơ đặc sắc như: Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dục Thúy sơn của Trương Hán Siêu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà.
Công chúng cũng sẽ được thưởng thức những bài hát phổ thơ của các tác giả Việt Nam như: Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn). Đặc biệt, Ngày thơ Việt Nam năm nay có sự tham gia của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ Gửi một người mẹ Việt Nam.
Để tạo diễn đàn trao đổi học thuật, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” vào sáng ngày 12/2, tại Khách sạn Hoàng Sơn (98 Trịnh Tú, Hoa Lư). Trong tọa đàm này, các nhà thơ sẽ thảo luận về khát vọng sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm của người cầm bút đối với đất nước, dân tộc và nhân loại.
Ngoài ra, không gian Ngày thơ còn trưng bày các tác phẩm văn học của 20 nhà thơ Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật và các bài thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình./.