Sự kiện & Bình luận

Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính để khơi thông nguồn lực, phát triển đất nước

Hoa Quỳnh 10:12 06/02/2025

Năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) thực chất, hiệu quả, trong đó tập trung loại bỏ ngay những quy định, TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống người dân để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định kèm kế hoạch “Cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025”. Kế hoạch hướng tới mục tiêu tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, TTHC trong lập đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả việc tham vẫn đối tượng chịu tác động, công tác thẩm định, thẩm tra theo quy định của pháp luật.

thu-tuong45.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. (Ảnh tư liệu/Đoàn Bắc).

Bên cạnh đó đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; tổ chức triển khai thí điểm thành công mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu.

Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới tư duy, hành động. Áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, phương pháp tiên tiến và mạnh dạn thí điểm các sáng kiến, giải pháp mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển. Tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ Nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách TTHC.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Cải cách các quy định TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (QĐKD). Trong đó kiểm soát quy định TTHC ngay từ khâu xây dựng văn bản QPPL; cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, TTHC và phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước các bộ, ngành, địa phương.

2. Đổi mới việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử; 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Tổ chức triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an rà soát, đánh giá lại chất lượng các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm chỉ duy trì cung cấp những dịch vụ công thực chất, hiệu quả, hoàn thành trong Quý II năm 2025.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần; phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia.

dichvucong.jpg
Sáng 5/2/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã khai trương thí điểm Đại lý Dịch vụ công tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm, số 75 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP; thúc đẩy triển khai Đề án 06, nhất là việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai và nâng cấp các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiếp tục đơn giản hóa giấy tờ khi thực hiện TTHC và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Nâng cấp hạ tầng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành để giải quyết TTHC, cấp kết quả điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và chỉ đạo, đề nghị của Tổ công tác cải cách TTHC, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi những nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định.

Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác cải cách, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả kiểm tra, thanh tra, kịp thời đề xuất biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện.

UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai trước ngày 10/12/2025.

Bộ Công an chủ trì đầu tư, xây dựng và quản trị, vận hành kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình. Văn phòng Chính phủ thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hạng mục Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định, liên tục, không gián đoạn cho đến khi hoàn thành phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định pháp luật có liên quan về Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm hành lang pháp lý cho việc phát triển, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia. Văn phòng Chính phủ là đơn vị chủ quản, chịu trách nhiệm về nghiệp vụ, chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia…

3. Chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử gắn với cải cách TTHC

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các chế độ báo cáo bảo đảm chỉ ban hành những chế độ báo cáo thật sự cần thiết; cắt giảm các chế độ báo cáo đã được thay thế bằng dữ liệu số có sẵn từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; triển khai báo cáo điện tử đối với các chế độ báo cáo trong nội bộ cơ quan, từng bước chuyển sang báo cáo tự động, dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực, hoàn thành trong Quý III năm 2025.

Thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; xử lý hồ sơ, công việc toàn trình trên môi trường điện tử, hoàn thành trong Quý III năm 2025, chấm dứt tình trạng vừa xử lý hồ sơ giấy vừa xử lý hồ sơ điện tử…/.

Hoa Quỳnh