Văn học - Nghệ thuật

Phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới (Bài 2): Khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh

Quỳnh Chi 05/02/2025 07:27

Dự thảo “Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng, dự kiến được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh để văn học nước nhà bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo nội dung Dự thảo (lần 2) “Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến nhân dân, Nghị định này gồm 7 Chương và 34 Điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung (Điều 1 đến Điều 8). Chương II: Sáng tác tác phẩm văn học (Điều 9 đến Điều 12). Chương III: Tổ chức trại sáng tác văn học (Điều 13 đến Điều 18). Chương IV: Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học (Điều 19 đến Điều 23). Chương V: Giải thưởng văn học quốc gia (Điều 24 và 25). Chương VI: Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học (Điều 26 đến Điều 32). Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 33 và 34).

1-1-.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhất cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" lần thứ nhất cho tác giả Đào Thị Thu Hiền. (Ảnh tư liệu).

Về những quy định chung, Dự thảo Nghị định quy định những nội dung cơ bản bao gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về khuyến khích phát triển văn học. Trong đó, khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học; những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối với các hoạt động văn học.

Đối với sáng tác tác phẩm văn học, Dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tổ chức trại sáng tác văn học, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hoạt động trại sáng tác văn học, bao gồm tiêu chí để tổ chức đáp ứng khi tổ chức một trại sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả tham gia trại nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm văn học. Quy định trình tự thông báo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo trước khi tổ chức trại sáng tác văn học; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí trại viên trại sáng tác và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức trại sáng tác tác phẩm văn học.

Dự thảo Nghị định quy định tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học theo định kỳ từ 3 năm đến 5 năm một lần đối với từng thể loại văn học nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả trong sáng tạo các tác phẩm văn học đỉnh cao; quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo cuộc thi, đề án tổ chức cuộc thi; ban giám khảo cuộc thi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học.

Đối với Giải thưởng văn học quốc gia, Dự thảo Nghị định quy định về giải thưởng văn học quốc gia trong đó khẳng định rõ vai trò của Bộ Văn hóa - Văn hóa và Du lịch trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia; quy định quyền lợi và nghĩa vụ của của tác giả có tác phẩm được tôn vinh.

nguoihanoi-com-vn-kkk.jpg
Một số đầu sách văn học Việt Nam do nhóm Nữ dịch giả Hà Nội dịch và xuất bản ở nước ngoài.

Ngoài ra, theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, việc giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ việc tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giới thiệu tham gia giải thưởng văn học uy tín quốc tế.

Xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam nhằm phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học tại Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan góp phần tập hợp các đầu mối và nguồn lực thúc đẩy hoạt động giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học có chiều sâu và hiệu quả./.

Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị định sau khi được ban hành

Dự thảo Nghị định quy định những biện pháp thi hành về khuyến khích phát triển văn học bao gồm: hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; trao giải thưởng văn học; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học, do vậy, nhà nước phải đầu tư kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên cơ quan quản lý nhà nước về văn học đang thực hiện trên thực tế hoặc nhà nước đã đầu tư kinh phí thông qua các hoạt động cụ thể để thực hiện, do vậy, về cơ bản không làm phát sinh thêm nhiều nguồn lực để thi hành Nghị định này.

Mặt khác, việc tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, đưa văn bản vào cuộc sống là một trong những hoạt động thường xuyên của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc phát sinh kinh phí để triển khai thi hành Nghị định này là việc cần thiết và không coi đó là việc phát sinh về nguồn lực cần phải giải quyết.

Như vậy, Nghị định được ban hành bảo đảm về nguồn lực và điều kiện để triển khai thi hành Nghị định.

Quỳnh Chi