Phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới (Bài 1):Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Để văn học nước nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết đang hoàn thiện Dự thảo “Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học Việt Nam” để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Dự thảo Nghị định đang được ngành văn hóa tổ chức lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 24/3/2025.
Văn học là bộ phận của đời sống văn học, nghệ thuật và là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa. Vì tính chất đặc biệt quan trọng đó mà ngay từ giai đoạn bắt đầu sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã xây dựng đường lối phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung trong thời kỳ mới, tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993 “Về văn hóa, văn nghệ” và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là những Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược thể hiện những định hướng cơ bản của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa cũng như văn học, nghệ thuật nước ta đã được giải quyết, văn học, nghệ thuật đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động văn học chưa kịp thời để thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động văn học phát triển theo kịp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã nêu 7 nhiệm vụ, trong đó có 7 nội dung liên quan thể chế hóa đến văn học gồm: Xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học; Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình văn học; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ các tài năng, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn học; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà văn trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ, quản lý hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng; có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân phát huy vai trò chủ thể tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn học; có cơ chế, chính sách bảo tồn, truyền bá, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật của dân tộc thiểu số.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật; tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; khuyến khích sáng tạo, thực thi quyền tác giả.
Như vậy, có thể thấy, trong thời kỳ đổi mới Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, văn học nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao. Đường lối của Đảng và chiến lược của Nhà nước là cơ sở để thể chế hóa các văn bản quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, việc thể chế hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động văn học chưa được triển khai cụ thể, chưa tạo ra những chuyển biến tích cực trong các hoạt động văn học hiện nay.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và ghi nhận quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó, đồng thời quy định nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân.
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, các vấn đề liên quan đến văn học được quy định ở nhiều văn bản liên quan khác nhau như: Luật Xuất bản năm 2012, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, Luật Thư viện năm 2019, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Thi đua khen thưởng năm 2022... đã quy định về các quyền và trách nhiệm của nhà nước, xã hội chăm lo cho hoạt động văn hóa nói chung. Tuy nhiên, lĩnh vực văn học chưa được thể chế hóa một cách cụ thể và sâu sắc, chưa có các quy định cụ thể khuyến khích phát triển.
Văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển khá toàn diện và mạnh mẽ; thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Cùng với những đổi mới của đất nước, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học hiện nay vẫn còn một số hạn chế, cần quan tâm đưa ra các chính sách mới.
Nổi bật còn một số bất cập trong việc tổ chức các trại sáng tác văn học, trại sáng tác lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách nhà nước; chưa quy định cụ thể thống nhất về việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách nhà nước; chưa có quy định về giải thưởng văn học cấp quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức; việc giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị; dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng, có hiện tượng “nhập siêu văn học”; văn học trên không gian mạng vẫn có nhiều tác phẩm kém chất lượng về tư tưởng nghệ thuật, đạo đức, trái thuần phong mỹ tục văn hóa con người Việt Nam.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn kể trên, việc ban hành Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phù hợp với thực tiễn./.
(Còn nữa...)