Văn hóa – Di sản

Khai hội đền Sóc năm 2025

Như Anh 20:54 03/02/2025

Hòa chung không khí của cả nước đang tưng bừng chào Xuân mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); sáng 3/2/2025, (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), huyện Sóc Sơn đã long trọng tổ chức khai hội đền Sóc năm 2025, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

hoi-denss20251.jpg
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND, các quận, huyện, trên địa bàn TP Hà Nội làm lễ dâng hương tại sân Rồng khai Hội đền Sóc năm 2025.

Tham dự Lễ khai hội có: Hòa Thượng Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; đồng chí Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn - Bùi Duy Cường; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND, các quận, huyện, trên địa bàn TP Hà Nội.

hoi-den-ss20253.jpg
Hòa Thượng Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và đồng chí Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội dâng hương tại lễ khai Hội Gióng năm 2025.

Đại biểu huyện Sóc Sơn tham dự Lễ khai hội có đồng chí: Nguyễn Nam Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; Phạm Văn Minh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Vy Thị Bình Anh – Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện; Hồ Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng ban tổ chức lễ hội; Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các ngành, đoàn thể của huyện; Bí thư, chủ tịch các xã thị trấn, lãnh đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Sau bài văn tế lễ các linh vật của 8 thôn làng được cung tiến tại lễ hội Gióng; thay mặt Ban tổ chức lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã nổi hồi trống chính thức khai hội Gióng đền Sóc năm 2025.

hoi-giong-20259.jpg
Thay mặt Ban tổ chức lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã nổi hồi trống khai hội Gióng đền Sóc năm 2025

Là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Tục truyền, Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng cây gậy sắt dài hơn 10 trượng. Gậy sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre Đằng Ngà để đánh giặc. Khi đánh về tới huyện Sóc Sơn thì cây tre bị dập nát, bông lên nhuộm với màu của bụi đường nên trông giống như những bông hoa có màu vàng óng. Chính vì thế để tưởng nhớ công ơn của Ngài vào mỗi dịp Xuân về, hội mở dân làng Vệ Linh (xã Phù Linh) lại làm ra những bông hoa bằng tre, lấy quả dành dành trên núi nhuộm vào phần tơ bông tạo nên hàng ngàn những bông hoa tre tuyệt đẹp để dâng lên đức Thánh Gióng.

hoi-giong20253(1).jpg
Hình ảnh rước giò hoa tre của Thôn Vệ Linh, xã Phù Linh

Tiếp đến là các linh vật cúng tiến của các thôn làng như: “Nhân dân thôn Phù Mã (xã Phù Linh) kính dâng lễ phẩm Thần mã (ngựa sắt); Khi biết là voi của Đức Thánh Gióng đã góp công đánh đuổi ngoại xâm, hàng năm Xuân về mở hội dân làng Dược Thượng (xã Tiên Dược) xin được rước voi cung tiến Ngài; Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) là nơi Thiên Tướng đã nghỉ chân uống nước ăn trầu, dậy bảo dân sinh những điều hay lẽ phải, nhắc nhở cho con cháu biết yêu thương, hiếu thuận, xin dâng lên Ngài cây trầu xanh tốt, để tỏ lòng nhớ ơn, tôn kính; Xã Đức Hòa là địa phương có may mắn được cung tiến lễ vật thứ 5 cho lễ hội đền Sóc hàng năm, đó là ngà voi; Lễ vật thứ 6 được cung tiến tại lễ hội là cỏ voi do Nhân dân thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) cúng tiến.

hoi-giong-202510.jpg
Hình ảnh kiệu rước và cung tiến Nữ tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú)

Một lễ vật khác thu hút sự quan tâm của đông đảo khách thập phương là kiệu rước và cung tiến Nữ tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú); Lễ vật thứ 8 do thôn Xuân Dục, xã Tân Minh cung tiến đó là Cầu Húc.

hoi-giong-20256.jpg
Hình ảnh cúng tiến của Nhân dân thôn Phù Mã (xã Phù Linh) kính dâng lễ phẩm Thần mã (ngựa sắt)

Lễ hội đền Sóc năm 2025 là một trong những lễ hội lớn của TP Hà Nội và cả nước, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010”. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân Thủ đô và cả nước./.

Như Anh