Đỗ Bí

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:31, 29/08/2020

(Thành hoàng làng Cầu Đơ, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội)
Đỗ Bí
Đình làng Cầu Đơ
Làng Đơ hay làng Cầu Đơ có tên chữ là Cầu Đa (cầu đa phúc đa lộc…) nằm bên hữu ngạn dòng sông Nhuệ, trước kia thuộc tổng thượng Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; nay là phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Thành hoàng làng được dân tôn thờ là Đỗ Bí - một trong những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo vào đầu thế kỷ XV. Sinh thời, khi mở cuộc chiến ở phía Tây thành Đông Quan, ngài đã từng được nhân dân Cầu Đơ che chở, nuôi dưỡng trong những ngày nghĩa quân phục kích, ém quân tại đây.

Kiêng húy ngài, dân làng từ xưa đến nay gọi các tên nông phẩm có tên đỗ là đậu, bí là bầu: bầu đao, bầu ngô, bầu đất…

Thần phả còn lưu ở đình chép rằng:

“… Ngài là người Thanh Hoa tỉnh, Vĩnh Long phủ, Trang Hòa ấp. Thân phụ là Đỗ Công, thân mẫu là Hoàng Thị. Gia đình vốn làm nghề nông sinh một gái hai trai, ngài là con trai thứ hai. Từ nhỏ, ngài có chí dũng hơn người, thích học binh thư pháp thuật . Năm 19 tuổi, vừa lúc sức trai tráng kiện, dũng lược tinh anh, thương xót tông tộc xã tắc lầm than, bừng bừng ý chí quét sạch giặc Bắc xâm lược, ngài đã về Lam Sơn tụ nghĩa.
Lê Lợi thấy ngài là người tài năng  xuất chúng, giao cho chỉ huy một đạo quân ra Bắc tìm kế đánh thành Đông Quan. Mấy năm sau ngài cùng các tướng lĩnh và đại binh đánh tan quân Minh vào năm Bình Định thứ 9 (1426) mùa đông, tháng 10 tại Trúc Động, Tốt Động. Trận này nghĩa quân tiêu diệt hơn 5 vạn tên. Bọn giặc tháo chạy, bị chết đuối vô kể, tắc nghẽn cả sông Linh Giang… Kể từ niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) kế theo là Thái Tông (1434-1442) và Nhân Tông (1443-1449), vài chục năm trời non sông thái bình, đạo nước hưng thịnh. Ngài là người cầm cân nảy mực suốt ba triều. Nào ngờ đến năm Kỷ Mão niên hiệu Diên Ninh thứ 6 (1459) mùa đông, tháng 10, nguyệt thực, trời đất u mê, triều đình hỗn loạn. Ngài vì khí tiết của kẻ bề tôi đã chẳng quên thân mình… năm Canh Thìn (1460), tháng Giêng, ngày 22, ấp ta thờ ngài ở miếu bên sông Nhuệ. Thần linh thăng giáng phù trợ, người người an khang, vạn vật phồn thịnh…”

Lê Nghi Dân - anh cùng cha khác mẹ của Lê Nhân Tông nổi loạn giết vua tự xưng vương. Nhóm trung thân gồm Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ bí mật lật đổ nhưng bại lộ đều bị giết chết. Phải đến 8 tháng sau Nghi Dân mới bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch, giáng Dân xuống tước hầu, lập hoàng tử Tư Thành lên làm vua, đó là Lê Thánh Tông. 

Dân làng Cầu Đơ tôn thờ Đỗ Bí làm Thành hoàng làng, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện “Sự tích giọt máu” như sau: 

“…Dạo ấy, vào một buổi chiều u ám ở Cầu Đơ, chỗ cầu Trắng bây giờ, ngày xưa là cầu gỗ trên lợp mái theo lối thượng gia hạ kiều, có cụ già bán nước chè. Khi cụ sắp dọn hàng về thì thấy một ông tướng ghìm ngựa ngay trước lều. Cụ chưa kịp định thần thì ông tướng đã cất tiếng: 

- Cụ có thấy ai bị đứt cổ như ta mà sống được không?

Bấy giờ cụ mới nhìn kỹ trên cổ ông thấy thắt một chiếc khăn trắng đã loang máu đỏ. Vốn bản tính thật thà, cụ nói: 

- Già ngồi đây đã lâu, chưa thấy ai bị chém đứt cổ mà còn sống được!

Ông tướng lướt nhìn ra xung quanh hỏi tiếp: 

- Đây là đâu?

- Thưa ngài đây là làng Cầu Đơ.

“Ta nhớ ra rồi, mảnh đất này đã có tình nghĩa với ta”, nói rồi ông đưa tay cởi chiếc khăn trao cho bà cụ và nói rõ từng lời: 

- Ta cho giọt máu này đem về mà thờ!

Đoạn ông phi ngựa chạy về phía Tây. Nghe nói khi đến Tốt Động, đúng nơi chiến trường xưa thì hóa.

Vì thế sau này cả làng Cầu Đơ, làng Tốt Động đều thờ ngài làm Thành hoàng làng.” 

Từ đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đến triều Nguyễn - Bảo Đại (1926 - 1945), Thành hoàng làng được phong 13 đạo sắc. Thời Lê ngài được phong Trung Đẳng Thần. Thời Nguyễn niên hiệu Duy Tân nguyên niên (1905) được phong Thượng Đẳng Thần và ban điển lệ quốc khánh.

Ở đình và miếu hiện còn nhiều câu đối ca tụng công đức ngài, trong đó có câu: 

Minh tướng lũy hàn tâm cố quốc quan hà dư bách chiến,
Lê triều tam phụ chính danh thần khí tiết túc thiên thu. 

Nghĩa:

Trăm trận lập công tướng Minh nhiều phen tim lạnh,
Nghìn thu khí tiết triều Lê ba đận dốc lòng trung. 

Lễ hội tưởng niệm ngài thường 5 năm tổ chức đại đám hai lần, mỗi lần vào các ngày từ 14 đến 21 tháng Giêng. Lễ vật dâng thờ, đặc biệt có mâm xôi nén, gợi nhớ lại món lương khô xưa kia dân làng Đơ thường cung cấp cho quân của ngài trong những ngày phục kích giặc tại đây. 

Đình Cầu Đơ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 23/VH-QĐ ngày 16/3/1985.

Yên Giang (sưu tầm)