Những ngày khởi nghĩa ở Sơn Tây

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:49, 29/08/2020

Trong cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở vùng đất rộng lớn phía tây Hà Nội, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hồng đã tích cực tham gia. Cách mạng thành công, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến lâm thời tỉnh Sơn Tây khi mới 21 tuổi.
Những ngày khởi nghĩa ở Sơn Tây
Ông Nguyễn Quốc Hồng thời kỳ làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (từ năm 1973 đến năm 1992). Ảnh: Tư liệu

Từ “chiến công phủ Quốc”

Đầu năm 1938, Tổ cộng sản Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được chuyển thành Chi bộ Đảng chính thức, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cuối năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương xây dựng một khu an toàn ở phía bắc Hà Đông, nam Sơn Tây gồm 3 huyện là Hoài Đức, Quốc Oai và Đan Phượng.

Dịp Tết Ất Dậu (1945), ông Nguyễn Quốc Hồng (1924 - 2004) từ Hà Nội được Xứ ủy điều động lên Sơn Tây. Ông Hồng chắp mối liên lạc, sau một tháng đã liên lạc được với cơ sở ở Ái Mộ và Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây) rồi Thuần Mỹ (Ba Vì); củng cố cơ sở ở Gia Hòa, Kỳ Úc, Kiều Trung (Phúc Thọ). Sách Lịch sử công tác Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Hà Tây 1938 - 2000 viết: “Tính đến cuối tháng 2-1945, toàn tỉnh Sơn Tây có 21 thôn, xã ở 5 huyện có phong trào cách mạng với tổng số trên 200 quần chúng cứu quốc”.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật thành lập chính quyền bù nhìn ở Sơn Tây, tổ chức Đại Việt Quốc gia liên minh (sau đổi là Việt Nam Quốc dân Đảng). Lúc đó, trật tự, trị an Sơn Tây rối ren, nhiều người dân chết đói.

Ông Nguyễn Quốc Hồng gặp đồng chí Xuân Thủy, cán bộ Xứ ủy và được giao thảo truyền đơn giải thích tình hình Nhật - Pháp bắn nhau và nhắc nhở việc vận động quần chúng ủng hộ cách mạng...

Trung tuần tháng 3-1945, ông Hồng cùng một số đồng chí về thôn Thượng Hiệp (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) dự họp thành lập Ban Cán sự Đảng của tỉnh, bầu đồng chí Lê Quang Hòa làm Bí thư. Ban Cán sự nghiên cứu chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chú trọng 2 nội dung lớn là: “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” và “thay đổi phương thức tuyên truyền cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp”. Ban cán sự nhận định: Phải tranh thủ đẩy mạnh công tác gây dựng, mở rộng cơ sở cách mạng; nối liền các căn cứ địa cách mạng; khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang... để gây dựng cao trào cách mạng.

Trong các tháng 4, 5, 6, 7 năm 1945, ta đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành ở Thạch Thất, Quốc Oai; tạo được thế liên hoàn ở nhiều xã, huyện; tăng cường các đội tuyên truyền có vũ trang... Từ ngày 1 đến ngày 3-8-1945, Tỉnh ủy họp hội nghị bất thường, thảo luận chủ trương của Xứ ủy, phân công lãnh đạo khởi nghĩa ở các địa phương và đề ra kế hoạch giành chính quyền với chủ trương là tiến hành ở nơi có phong trào mạnh nhất - trước là Quốc Oai, Thạch Thất, sau đến Phúc Thọ, Tùng Thiện và cuối cùng là Quảng Oai, Bất Bạt.

Đêm 14 và ngày 15-8, Xứ ủy Bắc Kỳ họp hội nghị khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông), quyết định khởi nghĩa ở 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ; riêng ở Sơn Tây sẽ đánh chiếm phủ lỵ Quốc Oai đầu tiên. Xứ ủy giao cho đồng chí Trần Danh Tuyên, cán bộ của Xứ ủy, chỉ huy một trung đội gồm 30 tự vệ chiến đấu của thôn Yên Trường (huyện Chương Mỹ) lên hỗ trợ Quốc Oai và chỉ đạo chia lực lượng thành hai mũi. Mũi do đồng chí Trần Danh Tuyên chỉ huy đánh vào cổng trước phủ; mũi do đồng chí Minh Nhã chỉ huy đánh vào cổng sau.

Tuy nhiên, đợt tấn công đầu tiên vào sáng 16-8 không đạt kết quả. Sang ngày 17-8, khi hàng nghìn quần chúng vũ trang từ các xã kéo lên bao vây phủ đường và lực lượng vũ trang bắn chỉ thiên thì lính huyện mở cổng, giao khí giới, đầu hàng. 15h ngày 17-8-1945, cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Quốc Oai kết thúc thắng lợi. “Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Quốc Oai được thành lập và đồng chí Nguyễn Duy Yển, một quần chúng cứu quốc có uy tín ở địa phương được cử làm Chủ tịch” (theo Lịch sử Đảng bộ huyện Quốc Oai - ấn hành năm 1983, tập 1). Cuộc mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng được tổ chức vào cuối ngày. Trong hai tuần lễ sau đó, việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở các xã được hoàn tất.

Tạo thế liên hoàn, cả Sơn Tây khởi nghĩa

Chiều 18-8, ông Nguyễn Quốc Hồng triệu tập anh em cốt cán, quyết định chiếm huyện Thạch Thất để tạo thế liên hoàn. Sáng 19-8, hàng nghìn quần chúng vũ trang đã kéo lên huyện đường Thạch Thất, hô khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật”; “Ủng hộ Việt Minh”. Binh lính giao vũ khí cho cách mạng. Ủy ban cách mạng được thành lập; ông Nguyễn Minh Tranh được cử làm Chủ tịch.

Ông Hồng lên thị xã Sơn Tây, bàn với các cốt cán kế hoạch giành chính quyền; đến tối, cho liên hệ với Quốc Oai, Thạch Thất để huy động lực lượng tham gia biểu tình vũ trang toàn tỉnh. Theo kế hoạch, trưa 21-8, đoàn Quốc Oai lên hội với đoàn Thạch Thất, tiến lên chốt Nghệ hội với đoàn Sơn Tây. Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra. Ông Hồng là đại biểu Tỉnh bộ Việt Minh lên nói chuyện, kêu gọi đồng chí, đồng bào đấu tranh giải tán chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng. Lúc 17h, hàng vạn quần chúng vũ trang theo ba toán quân cách mạng tiến vào tỉnh đường và các cơ quan đầu não. Ông Hồng phụ trách mũi tiến vào dinh Tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Vũ Thiện Khoái cầm cờ đỏ sao vàng ra mời đoàn vào dinh, tỏ ý chuyển giao quyền lực cho Việt Minh. Bên ngoài, cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ. Ông Hồng tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn và thiết lập chính quyền cách mạng. Vũ Thiện Khoái chấp thuận và giao ấn triện cho ông Hồng. Việc thu vũ khí của lính bảo an diễn ra suôn sẻ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Sơn Tây đã thành công. Buổi tối, ông Hồng được phân công làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng khi mới
21 tuổi.

Sáng 22-8, Chỉ huy trưởng Bảo an binh Nguyễn Tuyên xin lập công chuộc tội, liên hệ mời Bộ tư lệnh quân đội Nhật ở Sơn Tây gặp gỡ quân cách mạng. Sáng 23-8, phái đoàn Nhật đến trụ sở Ủy ban cách mạng. Ông Nguyễn Quốc Hồng đặt thẳng vấn đề: Nhật đã cam kết chấm dứt chiến tranh với phe đồng minh nhưng còn chiếm giữ quá nhiều đất đai, dinh thự, đồn bốt, nên giao lại để tỏ lòng tốt với nhân dân Việt Nam. Phía Nhật nhất trí không can thiệp vào mọi việc của quân cách mạng. Ngày 24-8, quân ta tiếp quản các vị trí mà quân Nhật rút đi. Toàn tỉnh Sơn Tây hoàn thành việc giành chính quyền vào ngày 25-8-1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nguyễn Quốc Hồng đảm nhiệm các cương vị: Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến lâm thời tỉnh Sơn Tây từ tháng 8-1945 đến tháng 2-1946; đại biểu Quốc hội khóa I; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 1973 đến năm 1992.

Khi còn sống, mỗi lần nói chuyện với thế hệ trẻ về những ngày Tổng khởi nghĩa sục sôi khí thế Cách mạng, ông Nguyễn Quốc Hồng thường khẳng định, nguyên nhân chính làm nên thắng lợi ở Sơn Tây là sự vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể. Khi ấy, lực lượng của ta còn nhỏ bé, cơ sở cách mạng chưa rộng khắp nên tranh thủ khi quân Nhật thất thế, ta vừa phân hóa đội ngũ thế lực phản động vừa gây áp lực để giành chính quyền. Ông Hồng cũng thường dặn dò cán bộ, đảng viên phải luôn đoàn kết, nhất trí, chí công vô tư, gương mẫu đi đầu, làm cho quần chúng tin tưởng và noi theo. Và ông luôn tâm đắc với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân chứ không phải là người làm quan cách mạng”.

hanoingaynay