Chuyển động Hà Nội

Lễ hội Chùa Hương 2025: Nâng cấp thành điểm đến du lịch văn hóa, truyền thống Việt

Phạm Quỳnh 19:46 20/01/2025

Sáng 20/1 (tức ngày 21 tháng Chạp), UBND huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) tổ chức họp báo thông tin Lễ hội Du lịch chùa Hương 2025 và công bố Quyết định công nhận khu du lịch cấp Thành phố.

Theo ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội du lịch Chùa Hương 2025, cho biết, Lễ hội Chùa Hương từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Với truyền thống lâu đời, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tin ngưỡng mà còn là nơi giao thoa của văn hóa, là dịp để mỗi người dân tìm về, thể hiện sự kinh trọng đối với các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

a-canh-1.jpg
Đồng chí Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội du lịch Chùa Hương 2025 chia sẻ về công tác tổ chức Lễ hội.

“Để chuẩn bị tốt công tác tổ chức Lễ hội du lịch Chùa Hương 2025 nhằm phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và Nhân dân về tham quan lễ Phật. Ban Tổ chức Lễ hội đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để Lễ hội diễn ra thành công”, ông Đặng Văn Cảnh, nhấn mạnh.

Lễ hội Chùa Hương 2025 còn là hoạt động để duy trì, đáp ứng nhu cầu tham quan Lễ hội, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nét đẹp truyền thống của nhân dân với điểm đến văn hóa truyền thống Việt đối với giá trị quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương).

Ông Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2025.

Lễ hội Du lịch Chùa Hương 2025 có chủ đề Lễ hội Chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2/2025 đến hết ngày 1/5/2024 (tức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2/2025 (ngày mùng 6 tháng Giêng). Điểm nổi bật của Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu khẳng định Chùa Hương là điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

canh-quan.jpg
Công tác trang trí, tuyên truyền của huyện Mỹ Đức để Lễ hội Chùa Hương 2025 diễn ra thành công đã gần như hoàn tất.

Trong đó Ban tổ chức đã tập trung tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt pa-nô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.

Ngoài chương trình Lễ hội, đến với sự kiện lần này, du khách thập phương còn có cơ hội tham gia nhiều chương trình khác như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương (múa rối cạn Tế Tiêu của các nghệ nhân thị trấn Đại Nghĩa, Cồng chiêng người Mường - xã An Phú, hoạt động hát Chèo tại các câu lạc bộ trên địa bản huyện)...

“Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò đảm bảo thuận tiện cho du khách về tham quan lễ phật về điện tử. Việc tích hợp vé nhằm đảm bảo thuận tiện cho du khách, giảm thiểu các đầu mối phát hành vé, kiểm soát vé cho du khách” – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội du lịch Chùa Hương 2025, nhấn mạnh.

xuong-don-khach.jpg
Xuồng đò phục vụ đưa đón du khách tại Lễ hội đã được đảm bảo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí...

Đồng thời, Ban tổ chức không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Có gần 4.000 xuồng đò tham gia đưa, đón du khách đã được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí.... Mỗi xã viên lái đó có 1 mã QR để Hợp tác xã quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đổi với du khách. Thời gian vận chuyển xuồng đò tại Lễ hội diễn ra từ 4 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày.

Đặc biệt, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2025 sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mới gây ồn ào trong khu vực Lễ hội, đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ. Tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách, thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực Lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của Thành phố. Ngoài ra, tại khu vực diễn ra Lễ hội sẽ bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như công động Hương Tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.

Các giá vé cũng được niêm yết và công khai đến nhân dân thập phương đến với Lễ hội năm nay. Bên cạnh đó công tác quảng bá hình ảnh Chùa Hương và tuyên truyền khuyến cáo tới du khách về tham quan thắng cảnh, lễ Phật đầu năm cần chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không có hành vi vi phạm pháp luật khi du xuân trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...

chuahuong1.jpg
Lễ hội Chùa Hương năm nay diễn ra từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5/2024 (mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ).

“Lễ hội Chùa Hương nhằm tiếp tục khẳng định giá trị, duy trì văn hóa lễ hội truyền thống và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn. Bên cạnh đó tạo không khí vui tươi, phần khởi dịp đầu xuân mới, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện thị đua học tập, rèn luyện, lau động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn trong năm 2025” – ông Đặng Văn Cảnh, nhấn mạnh.

Ban tổ chức khẳng định thông qua các hoạt động Lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa gần với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá khẳng định giá trị văn hóa Lễ hội Chùa Hương và giá trị quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội./.

Phạm Quỳnh