Hà Nội

Dấu ấn Hà Nội trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Quỳnh Chi 08:35 18/01/2025

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, năm 2024 vừa qua, hệ thống chính trị Thành phố đã tập trung giải quyết những vấn đề khó, những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó có việc triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Ban Chỉ đạo CVĐ Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên, BCĐ quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền CVĐ đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các hình thức đa dạng, phong phú đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng thực hiện CVĐ. Các đơn vị thành viên và BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng,...

hanoi-nguoiviet-hang-viet.jpg
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận TOP 1 "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" cho các doanh nghiệp, tháng 11/2024.

Tổ chức tuyên truyền kết quả chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024; biên soạn, phát hành cuốn sách “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024; phối hợp với báo Hà Nội Mới tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sản thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”; phối hợp Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức 2 buổi giao lưu trực tuyến tuyên truyền với chủ đề: “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị”, “Dữ trữ hàng phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ”.

Thành phố Hà Nội và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng đã trở thành điểm nhấn trong thực hiện CVĐ trên địa bàn Thành phố như: phát triển các điểm giới thiệu và bản sản phẩm OCOP gắn với địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố, nâng tổng số điểm OCOP toàn Thành phố đến nay là 110 điểm; tổ chức các hội chợ, phiên chợ Việt, tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.

Phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của Hà Nội (các tour du lịch nội địa ngắn ngày, chương trình giao lưu du lịch học đường...). Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch, đưa các sản phẩm du lịch Hà Nội tiếp cận với thị trường khách hàng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức các chương trình, hội chợ, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm giúp nữ chủ doanh nghiệp, hội nông dân, hội cựu chiến binh,... được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

anh-1qrcode.jpg
Khách hành thanh toán qua QR code tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội, đồng thời dùng QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố.

Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho Thành phố triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đầy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó: Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; triển khai Đề án “Huy động Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bản sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn đến năm 2025.

Triển khai nhiều mô hình điểm, cách làm hay

Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương. Huyện Ứng Hòa phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống làm giày da; làng nghề sản xuất hương xuất khẩu. Huyện Thanh Trì vận động nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn có đăng ký mã vạch, bánh chưng, bánh dày, tôm, gạo chất lượng cao. Trong khi đó huyện Ba Vì tuyên truyền sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của huyện, như sữa, chè, miến dong, khoai lang, gà đồi. Huyện Thanh Oai có 6 mặt hàng được công nhận nhân hiệu tập thể, đó là nón Chuông, gạo Bắc thơm số 7, cam đường, giò chả, nem chua, gạo thơm...

Thành phố Hà Nội đồng thời chỉ đạo các đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài để gắn nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước có uy tín nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng mã hình “QR” để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố, hướng dẫn các doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc trực tuyến sử dụng mã hình QR in trên tem chống giả theo “Quy trình xác thực chống hàng giả”. Cục Quản lý thị trường chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hảng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm....

Các đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo Thành phố và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thường xuyên tôn vinh, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, kê khai nguồn gốc xuất xứ,... Ban Chỉ đạo CVĐ Thành phố tổ chức chương trình bình chọn và ban hành quyết định công nhận 150 sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.

thuyet-minhvan-mieu.jpg
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám được phục vụ thuyết minh tự động, qua đó giúp du khách chủ động tìm hiểu nội dung thông tin, góp phần nâng cao chất lượng chuyến tham quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội; 100% các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng mã “QR” trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Du lịch triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, giới thiệu, thuyết minh tự động (audio guide), tiêu biểu như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Hoàn kiếm 360,...

Ban Chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị cũng triển khai nhiều mô hình điểm như: “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp", "Câu lạc bộ nữ doanh nhân”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi an toàn thực phẩm", mô hình “Cánh đồng sạch”, “Hội thi tay nghề giỏi”, phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động và nâng cao hiệu quả các phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo”...

Đặc biệt, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đã ít nhiều có hiệu quả đối với việc thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. So với những năm trước, CVĐ đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra những chuyển biến trong nhận thức, thái độ và hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong xã hội.

Hiện nay, đa số người dân đã chủ động khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam và khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam. Nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã được người dân ưa chuộng mua sắm nhiều hơn (đặc biệt: sản phẩm dệt may, nông sản, rau quả, thực phẩm; sản phẩm da, giày dép, đồ gia dụng...)./.

Năm 2025, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ thực hiện CVĐ hiệu quả hơn. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền CVĐ, trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 về tăng cường thực hiện CVĐ trong tình hình mới. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Quỳnh Chi