Hà Nội: Khắc phục hạn chế, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2020
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:19, 31/08/2020
Dự phiên giải trình có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý; chủ tịch UBND một số quận, huyện, thị xã...
Từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước; sự phát triển của Hà Nội có vai trò quan trọng trong phát triển vùng kinh tế Thủ đô và là đầu tàu thúc đẩy kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, của người dân và doanh nghiệp, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP phát triển khá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo bộ mặt mới, phát triển văn minh, hiện đại cho Thủ đô; đời sống nhân dân, an sinh xã hội ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, thành phố đã xác định đúng vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư công đến sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội của thành phố, tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư xã hội (vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 43,9% tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP). Các dự án, công trình đầu tư công được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, bảo đảm môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, các chương trình của Thành ủy, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố.
Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của thành phố cũng đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách thành phố và hiệu quả sử dụng đất. Có công trình, dự án tuy đã được thành phố ưu tiên bố trí vốn tập trung nhưng vẫn chậm hoàn thành và chưa có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để khắc phục.
Tạo chuyển biến rõ rệt, bứt phá trong giải ngân
Năm 2020, thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư công khoảng 28.000 tỷ đồng cho 581 dự án. Trong bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh kéo dài, với yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 làm nguồn lực quan trọng để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế được xác định là nhiệm vụ then chốt của thành phố.
Với tầm quan trọng đó, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 với mục đích làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư, đồng thời tìm và đưa ra các biện pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, bứt phá trong thực hiện và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm nay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, ổn định kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.
Thường trực HĐND thành phố đề nghị các đại biểu HĐND tập trung hỏi thẳng, nêu rõ đơn vị cần giải trình những vấn đề tồn tại, hạn chế theo các nội dung mà Thường trực HĐND đã lựa chọn. Các đơn vị, người thuộc đối tượng giải trình cần giải trình vào thẳng vấn đề do Thường trực HĐND thành phố yêu cầu và đại biểu HĐND thành phố hỏi, trong đó làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế đó; nêu các đề xuất, kiến nghị với Thường trực HĐND thành phố.
Đề nghị HĐND thành phố xử lý sớm các vấn đề phát sinh
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.
Trong điều kiện hệ thống văn bản quy phạm điều chỉnh còn chưa hoàn thiện, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, sự cố gắng của các cấp, các ngành, kế hoạch đầu tư công giai đoạn này đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến thời điểm ngày 31-7-2020, các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI về việc dành nguồn lực đầu tư công cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. 10 dự án và hạng mục dự án sử dụng vốn ngân sách đã được tập trung bố trí vốn, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, gồm 9 dự án (cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - giai đoạn II; Bệnh viện Thanh Nhàn - giai đoạn II; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính; cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công; Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) và 1 hạng mục cải tạo nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Các công trình đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, các chương trình của Thành ủy, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố…
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn chậm và phải điều chỉnh nhiều lần. Từ đầu kỳ trung hạn đến nay, thành phố phải thực hiện 4 lần cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch. Công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư còn chậm, dẫn đến kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm được hoàn thiện. Một số dự án gặp vướng mắc, phải điều chỉnh kế hoạch vốn hoặc không thực hiện hết số vốn kế hoạch phải hủy bỏ, chuyển kết dư ngân sách…
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tới (2021-2025), UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố thực hiện 5 nội dung. Trong đó, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố tổ chức các kỳ họp bất thường để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công. UBND thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư xây dựng...
Nhiều dự án chậm giải ngân do thay đổi công năng sử dụng
Đặt câu hỏi chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong giải ngân đối với một số công trình, dự án, các đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (quận Hoàng Mai), Đoàn Việt Cường (huyện Mê Linh), Nguyễn Văn Nghinh (huyện Thạch Thất), Nguyễn Thanh Bình (huyện Sóc Sơn), Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, có rất nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2019 để thực hiện trong năm 2020 không có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, nhưng tỷ lệ giải ngân chậm. Việc giải ngân xây dựng công trình trụ sở công an phường, xã mới đạt hơn 19%. Hầm cầu chui Lê Văn Lương là công trình trọng điểm thành phố, yêu cầu giải ngân 50 tỷ đồng, nhưng nay mới giải ngân được khoảng 5 tỷ đồng. Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng nhưng giải ngân thấp, như trụ sở Thành ủy, dự án Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau...
Trả lời về các vấn đề trên, ông Hoàng Trọng Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, các dự án không có khó khăn vướng mắc gì về thủ tục, giải phóng mặt bằng thì từ nay đến hết năm 2020 sẽ được giải ngân toàn bộ. Việc xây dựng Trạm bơm Ngọc Dương (huyện Thường Tín) dự kiến đến cuối năm 2020 cũng sẽ giải ngân xong, đúng tiến độ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2020, Ban được giao vốn 1.300 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân đạt 42,3%. Để giải ngân nhanh, cần có 3 yếu tố: Trình độ, năng lực của cán bộ và trách nhiệm của chủ đầu tư. Nhưng khi Ban tiếp nhận 186 cán bộ, nhiều cán bộ không bảo đảm về năng lực, trình độ.
Cùng với đó, nhiều chính sách còn vướng mắc, liên quan đến trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Riêng về dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, mới giải ngân hơn 40%, chậm do quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc hủy thầu, đấu thầu lại. Ban đã thực hiện đấu thầu lại (tiết kiệm hơn 900 tỷ đồng) và tiến độ dự án đang rất tốt.
Liên quan đến việc giải ngân xây dựng trụ sở công an phường, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố cho biết, tính đến nay, Ban đã giải ngân hơn 382 tỷ đồng, đạt hơn 47%.
Tỷ lệ giải ngân chung chưa đạt mục tiêu đề ra, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến việc huy động nhân công, nguồn lực chậm; việc xây dựng trụ sở phải xin ý kiến Bộ Công an theo mẫu thiết kế mới ban hành tháng 7-2019... Với dự án xây dựng trụ sở Công an quận Hoàng Mai, hiện còn vướng mắc do một số hộ không nhận đền bù, phải cưỡng chế. Một số dự án nguồn vốn lớn như dự án nhập thiết bị phòng cháy, thành phố giao hơn 200 tỷ đồng, nhưng vì dịch bệnh nên chậm tiến độ nhập khẩu. Tuy nhiên, 4 tháng cuối năm 2020, dự kiến tỷ lệ giải ngân sẽ cao hơn, ước cả năm Ban giải ngân đạt 95-97% kế hoạch.
Về các công trình an ninh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố được giao 25 dự án, trong đó có 11 dự án xây dựng trụ sở công an quận, huyện, xã, phường với 237 tỷ đồng kế hoạch vốn, nay giải ngân đã đạt 40% kế hoạch giao. Nguyên nhân chậm ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn do việc xây dựng trụ sở phải xin ý kiến Bộ Công an theo mẫu thiết kế mới ban hành tháng 7-2019...
Về hầm cầu chui Lê Văn Lương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, dự án này do Bộ Giao thông Vận tải giao lại cho thành phố. Ban đã trình HĐND thành phố và được phê duyệt. Đến nay, dự án đã đấu thầu và sẽ được triển khai trước khi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Về tổng thể kế hoạch giải ngân cả năm, Ban cam kết giải ngân 90-95% vốn theo kế hoạch.
Đối với các dự án đã xong mà không giải ngân được, ông Lương Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố cho biết, đến nay, Ban mới thực hiện giải ngân đạt 38%. Riêng về dự án trụ sở Thành ủy, hiện đang hoàn thiện hồ sơ, nên giải ngân đến tháng 1-2020 mới đạt 18,9%. Nguyên nhân là trong quá trình thi công có điều chỉnh cho phù hợp công năng sử dụng. Nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế chưa hoàn thành các thủ tục bổ sung. Về dự án Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, đã đưa vào sử dụng từ tháng 10-2019, mới giải ngân đạt 6%, do sau khi hoàn thành, tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung đường dẫn vào công trình khiến nhiều hạng mục phải điều chỉnh cho phù hợp; đơn vị tư vấn thiết kế cũng chậm bổ sung.
Giải quyết vướng mắc ngay tại công trường
Tiếp tục quan tâm đến các dự án trọng điểm của thành phố, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có việc các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, vậy nguyên nhân vì sao? Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (huyện Thường Tín) đề nghị nêu rõ lý do 17/18 hộ dân có vướng mắc về nhà tái định cư tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Linh Quang (quận Đống Đa). Đại biểu Phạm Hải Hoa (huyện Phú Xuyên) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ việc chậm dự thảo và trình thành phố phê duyệt về cơ chế và quy trình đặc thù để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Đại biểu Lê Minh Đức (huyện Mỹ Đức) nêu câu hỏi về dự án sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm), vì sao phải điều chỉnh thời gian thực hiện; đâu là nguyên nhân chậm tiến độ; trách nhiệm và giải pháp của đơn vị thực hiện như thế nào?.
Về các vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Nguyễn Cao Minh cho biết, Ban được giao tổng kế hoạch vốn 5.300 tỷ đồng, kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020, gồm nhiều nguồn, nhưng tiến độ giải ngân chậm. Trong đó, tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo phải điều chỉnh vì dự án thực hiện đúng thời điểm Luật Đầu tư công được ban hành, còn nhiều tranh luận về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án, quy trình điều chỉnh dự án. Khi Luật Đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua xác định thẩm quyền phê duyệt thì lại phát sinh việc phải báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Do đó, Ban đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư là số vốn tại dự án này không thể giải ngân kịp trong năm 2020.
Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội mới giải ngân đạt tỷ lệ 43%, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc thi công xây lắp vẫn được tiến hành, song thiết bị chủ yếu là của châu Âu nên việc nhập khẩu bị chậm, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Ban đã xây dựng kế hoạch khắc phục và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân đạt khoảng 97%. Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố; duy trì giao ban tuần với tất cả nhà thầu, giao ban tháng với các sở, ngành chức năng thành phố; phối hợp với các quận có liên quan giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đồng thời phối hợp với các sở để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết vướng mắc về thủ tục...
Giải trình thêm về nhiều dự án chậm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhiều năm qua, trên cơ sở quy định của trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện thống nhất, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh phân cấp để tháo gỡ thủ tục đầu tư còn vướng mắc. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý liên tục được bổ sung, hoàn thiện, nên kế hoạch đầu tư công phải bổ sung, cập nhật; nhiều vướng mắc liên quan đến các bộ luật vẫn tồn tại. Theo kế hoạch, trong quý IV-2020, Sở sẽ trình UBND thành phố dự thảo sửa đổi quy định của thành phố về triển khai dự án đầu tư công trên địa bàn.
Về dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Linh Quang (quận Đống Đa), Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thành phố đã chọn được địa điểm tái định cư, song quá trình thực hiện chậm. Đến nay, chỉ có 7 trường hợp được bố trí nhà tái định cư; 10 trường hợp còn lại không đủ điều kiện bố trí, nếu không chấp hành sẽ phải cưỡng chế. Sở phấn đấu trong tháng 9 tới sẽ đưa công trình vào sử dụng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cũng cho biết, việc xác định giá đất để bồi thường khi có quyết định thu hồi đất có nhiều bất cập. Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý cho Hà Nội trình phương án để thực hiện theo cơ chế đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, hằng năm, thành phố sẽ lập hệ số để giải quyết giá đất khi có quyết định thu hồi theo quy định.
Làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến dự án sông Pheo, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, đây là dự án cải tạo nâng cấp, nạo vét bùn. Đến nay, quận đã thực hiện giải phóng mặt bằng với địa bàn trải dài trên 4 phường. Sông Pheo đi qua nhiều quận, huyện; riêng trên địa bàn quận, việc giải phóng mặt bằng đã đạt 96%.
Cũng theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các đơn vị chức năng của quận chưa nhịp nhàng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Quận đề xuất các sở, ban, ngành phối hợp tốt hơn nữa với các địa phương; điểm nào đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong thì cần được nhận đất, thi công ngay để tránh tình trạng tái lấn chiếm. Quận cũng kiến nghị điều chỉnh kinh phí giải phóng mặt bằng, bởi với kinh phí 2% như hiện nay là không đủ để thực hiện.
Giải trình thêm các vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu thay mặt Thường trực UBND thành phố trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND, các Ban Quản lý dự án và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sửu, nhìn chung năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cũng như thành phố còn chậm, do nhiều nguyên nhân khách quan. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời và được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Các đơn vị chức năng trong phiên giải trình cũng đã khẳng định quyết tâm đưa tỷ lệ giải ngân cả năm 2020 đạt 95% đến 97%.
“UBND thành phố khẳng định sẽ sát sao chỉ đạo, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tại các dự án. Những dự án nào không hấp thụ được vốn, thành phố sẽ có điều chỉnh phù hợp. Với những vướng mắc còn tồn tại, thành phố sẽ quyết liệt chỉ đạo cụ thể từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn; tăng cường điều hành, giám sát theo hướng giải quyết vướng mắc ngay tại công trường để đạt được mục tiêu”, đồng chí Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Giám sát lời hứa của các ban quản lý dự án
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của thành phố rất quan trọng, không chỉ với yêu cầu phát triển của thành phố, mà còn liên quan đến sự phát triển chung của cả nước, bởi vốn đầu tư công của Hà Nội chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công cả nước. Nếu Hà Nội làm tốt kế hoạch đầu tư công sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển của Thủ đô và thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động.
Nhận xét về phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, phiên họp đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và có nhiều ý kiến tham gia chất lượng. Qua giải trình cho thấy, những năm qua, việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhưng do nhiều nguyên nhân, quá trình giải ngân các dự án còn chậm.
Thực hiện sự lãnh đạo của Thành ủy, những năm qua, HĐND thành phố cũng đồng hành với UBND thành phố trong lĩnh vực này, từ khi xây dựng kế hoạch đầu tư công đến khi thực hiện. Trước khi thực hiện phiên giải trình, HĐND thành phố đã có 2 buổi làm việc với các ban quản lý dự án và các sở, ngành để nắm rõ những hạn chế, tồn tại, xác định nguyên nhân.
Qua các buổi làm việc và phiên giải trình cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố mới giải ngân được 31%. Dù có sự quan tâm của các cấp ủy, sự vào cuộc, đồng hành của HĐND thành phố, nhưng việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016-2020 vẫn chậm. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, cụ thể hóa nghị quyết của HĐND thành phố ở các cấp còn hạn chế, cần rút kinh nghiệm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành cũng cần được xem xét, bởi công tác giải phóng mặt bằng chậm, ngoài liên quan chủ yếu đến các địa phương, còn 50% thuộc về trách nhiệm của các sở, ngành. Vì vậy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu và chưa hiệu quả.
Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố tập trung chỉ đạo cụ thể, phân loại những khó khăn của từng dự án, từ đó có giải pháp tháo gỡ. “Các dự án không vướng mắc mà giải ngân chỉ đạt 41% thì cần làm rõ lý do vì sao không giải ngân được. Đề nghị đồng chí phụ trách UBND thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; cần phân loại, phân công, phân nhiệm, nghe báo cáo về từng dự án và làm việc với các quận, huyện để tháo gỡ; nếu có khó khăn về cơ chế, chính sách thì đề xuất HĐND thành phố”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị thành phố sớm kiện toàn công tác cán bộ lãnh đạo các ban quản lý dự án của thành phố; đồng thời, đề nghị UBND thành phố cụ thể hóa nghị quyết của HĐND thành phố về giá đất, điều chỉnh cho phù hợp để các dự án đầu tư công tiêu thụ nguồn vốn đúng kế hoạch. Đặc biệt, HĐND thành phố nhất trí với chủ trương, ban quản lý dự án nào đủ năng lực, làm tốt thì tăng vốn, tăng dự án.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng khẳng định, căn cứ vào lời hứa của lãnh đạo các ban quản lý dự án tại phiên giải trình, HĐND thành phố sẽ giám sát thường xuyên về lĩnh vực này, từ nay đến cuối năm 2020.