Văn hóa

Quyết tâm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Đình Thế 07:57 11/01/2025

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước

Nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Năm 2024, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.

Trước bối cảnh đó, ngành VHTT&DL đã xác định chủ đề công tác năm “Chủ động - Tăng tốc - Về đích”, luôn quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; 8 phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành VHTT&DL năm 2023; cùng với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, không tự mãn trước những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là trước những khó khăn, thách thức; toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có một số mặt công tác đạt kết quả tích cực, sản phẩm công tác đo lường được, có nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội như trong phóng sự đã đề cập.

img-0105.jpeg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, “Có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các địa phương trong cả nước.

Cụm từ “văn hóa” đã thường trực xuất hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội ngày càng sâu sắc hơn về vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ngày càng được lan tỏa. Bộ và toàn Ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao”.

"Với quyết tâm tạo đột phá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL, năm 2024, Bộ VHTTDL đã chủ trì báo cáo các cấp có thẩm quyền thông qua 1 Luật, 1 Chương trình; cho ý kiến 1 Luật; ban hành 5 Nghị định; phê duyệt 2 Quy hoạch, 1 Chiến lược phát triển ngành. Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư", Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết.

Điểm nhấn quan trọng là Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tạo nguồn lực quan trọng cho văn hóa phát triển theo quan điểm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững ở nghĩa rộng.

Theo Bộ trưởng, nhìn từ đầu tư công, đúng như ca từ của “Bài ca xây dựng”, đầu tư xây dựng phát triển văn hóa là “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Bên cạnh đó, Dự án Luật Di sản văn hóa 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024, có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi tối đa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế- xã hội.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng.

Tính đến thời điểm hiện nay, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.

Công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Bên cạnh việc định kỳ tổ chức Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” và trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam”, năm 2024, “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với thế giới.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024 , thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Đặc biệt, Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh.

Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. 4 Ngày hội văn hóa các dân tộc, 10 Liên hoan/Hội diễn toàn quốc và khu vực, 7 Triển lãm do BVHTTDL chủ trì tổ chức, cùng với 125 Liên hoan, Hội thi Nghệ thuật quần chúng và Tuyên truyền lưu động, 50 Triển lãm và hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật… đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành với các địa phương trong xây dựng môi trường văn hoá toàn diện, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Công nghiệp văn hóa từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12/2023 đã có những dấu ấn đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Trong lĩnh vực Điện ảnh và Nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024, các đêm diễn “cháy vé” của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” là những minh chứng sống động trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, bài bản, chuyển từ tư duy “Gặp gỡ, giao lưu” sang “Hợp tác đích thực”. Năm 2024, Bộ đã ký kết 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ, 9 thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ VHTTDL.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ đã ký kết 19 văn bản hợp tác quốc tế với các đối tác. Tổ chức thành công 11 Tuần văn hóa, Ngày văn hóa, Lễ hội văn hóa- du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Hợp tác về văn hóa góp phần quan trọng quảng bá về đất nước “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”.

z614111872942157988bb1bddcf48d16c7f355900a232a-1734489097328286340062.jpg
Quảng cảnh Hội nghị.

Trong lĩnh vực Thể thao, Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên tinh thần “Dân cường - Quốc thịnh”. Năm 2024 số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023); cùng 27 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia tiếp tục được tổ chức trong năm 2024, thu hút trên 20.000 vận động viên tham dự; từ đó phát hiện, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao phát triển.

Thể thao thành tích cao giành được tổng số 482 HCV, 360 HCB, 372 HCĐ tại các giải thể thao quốc tế. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương đồng tại Cúp bóng chuyền nữ thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á. Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam xuất sắc đoạt chức vô địch Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực du lịch, năm 2024, toàn Ngành tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó du lịch đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài 5 nhóm sản phẩm du lịch có thương hiệu, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được phát triển, đưa vào phục vụ du khách như: Chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng; Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội… Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra từ 17-18 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng. Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.

Trong năm, Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21/6/2021 về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, Bộ VHTT&DL đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII gửi Bộ Nội vụ; đồng thời nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đề xuất phương án quyết tâm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, đảm bảo giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo Chính phủ.

Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ VHTT&DL sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung.

z61411187499471b33e3efb23a92bf550386db85a4dcc1-17344890974431213711926.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thứ nhất, tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTT&DL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Ngành VHTT&DL.

Thứ hai, tiếp tục tham mưu thể chế hoá toàn diện, kịp thời các chủ trương chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTT&DL, Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá; hạn chế khoảng trống pháp lý. Gắn hoàn thiện pháp luật với tăng cường hiệu quả thực thi. Thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó, phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật". Từ đó, tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa năm 2024, bảo đảm đúng thời hạn được giao và các Nghị định về một số chế độ, chính sách, đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao…

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chú trọng yếu tố tiên tiến trong phát triển văn hóa mang tính hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ tư, kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tực cường, tự hào dân tộc". Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các hương ước, quy ước đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, do nhân dân đề xuất, nhân dân tự giác thực hiện.

Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết Ất Tỵ vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thứ năm, triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.

cnvh-1712561612908703364885.jpg
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xây dựng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đầu tư phát triển thể thao quần chúng. Thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh năm 1961, gặp gỡ cán bộ, giáo viên và học sinh Bác nói: "Các cháu học Thể dục thể thao ở đây không phải để trở thành ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ. Cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho nhân dân, đem hiểu biết của mình ra hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật". Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.

Thứ bảy, triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

"Hội nghị tổng kết năm là nhiệm vụ quan trọng, Hội nghị của chúng ta rất phấn khởi được đón đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương về dự và chỉ đạo. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng sau Hội nghị toàn ngành sẽ sẵn sàng nguồn lực, cùng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để phấn đấu thực hiện chức năng: "Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững"" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

Đình Thế