Phát huy giá trị di sản Huế đúng với tiềm năng và lợi thế, hình hài kinh đô xưa dần được tái hiện
Nhiều thành tựu đã đạt được trong năm 2024 của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mang tính đột phá và có thể khẳng định hình hài kinh đô xưa đã được tái hiện, giá trị di sản Huế phát huy đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Di tích Huế đón 2,770 triệu lượt khách với doanh thu 422,238 tỷ đồng
Năm 2024, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đạt được nhiều thành tựu mang tính đột phá với các công trình kiến trúc trọng điểm hoàn thành trùng tu, phục hồi, nhiều công trình trong diện tiêu biểu được khởi công, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ đã được áp dụng… góp phần đưa Di sản Huế đến gần hơn với nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Hình hài của một kinh đô xưa đã được tái hiện một cách rõ rệt hơn và có thể khẳng định đang từng bước phát huy giá trị di sản Huế đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Theo đó, năm 2024 Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã chú trọng đẩy mạnh bảo tồn, trùng tu, phục hồi di sản với vốn bố trí là 298,134 tỷ đồng, lũy kế giá trị giải ngân nguồn vốn đến ngày 31/12/2024 là 188.82 tỷ đồng (tỷ lệ 63,33%). Công tác trùng tu, phục hồi di tích được tiến hành một cách bài bản, khoa học, tuân thủ các quy định, nguyên tắc bảo tồn di sản của UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định của pháp luật như Điện Kiến Trung, Điện Thái Hòa, Hải Vân Quan…
Đặc biệt, năm 2024 Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có doanh thu bán vé cao nhất trong những năm trước và sau dịch Covid với tổng lượng khách đến tham quan di tích Huế đạt 2,770 triệu lượt (khách quốc tế đạt 1,261 triệu lượt và khách Việt Nam đạt 1,509 triệu lượt). Đến 31/12/2024 tổng doanh thu là 422,238 tỷ đồng.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hàng trăm chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước góp phần quảng bá rộng rãi âm nhạc cung đình Việt Nam - Di sản Thế giới trong hoạt động biểu diễn và sân khấu hóa các nghi lễ cung đình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể như Nhã nhạc, Múa và Tuồng cung đình… Công tác Giáo dục Di sản được quan tâm với việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, Phòng Giáo dục Thành phố Huế triển khai chương trình “Di sản học đường” với 306 đoàn có tổng số lượng 32.273 người tham gia (29.830 học sinh và 2.443 giáo viên) trong năm học 2023 – 2024
Trong năm 2024, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vận hành có hiệu quả hệ thống vé tham quan điện tử, đưa vào vận hành hệ thống trục xoay mới tại Hữu dịch môn (Ngọ Môn – Đại Nội, Huế), tích hợp các dịch vụ trên nền tảng app di tích Huế... ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế số, cụ thể như định danh cổ vật và ra mắt không gian triển lãm văn hóa, thí điểm xây dựng nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch với mô hình trò chơi tại Hải Vân Quan và Đại Nội Huế…
Năm 2024, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đạt được nhiều thành tích như đạt Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 - Hạng mục Top Tổ chức KH&CN và Đổi mới sáng tạo, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với Ứng dụng công nghệ số bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế, giải Ba - Giải thưởng Thông tin đối ngoại về thông tin đối ngoại Toàn quốc lần thứ X năm 2024, đạt 2 Huy Chương Bạc tại Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, giấy khen của Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế 2024.
Thành phố Huế là điểm đến di sản
Mục tiêu và định hướng xây dựng Thành phố Huế dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nỗ lực và phấn đấu từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra trong năm 2025.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Văn bản số 10501/VPCP-KGVX ngày 15/12/2020 của Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, đồng hành với lãnh đạo địa phương và nỗ lực từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích nhằm từng bước đưa Quần thể Di tích Cố đô Huế trở lại gần hơn với hình dạng vốn có, góp phần thu hút du khách đến với Di sản Huế.
Tiếp tục thực hiện Đề án Chuyển đổi số, nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế theo hướng tập trung, nâng cao đẳng cấp chất lượng, khai thác được các lợi thế, giá trị đặc thù của di sản. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án, giải pháp chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan và phát huy giá trị khu vực Thượng thành, Eo Bầu thuộc khu vực I di tích Kinh Thành Huế sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hợp tác “Giáo dục Di sản Văn hóa Huế” trong trường học tại TP Huế và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm giáo dục Di sản, Nghệ thuật Cố đô Huế để thực hiện mục tiêu truyền đạt, phổ biến các giá trị của văn hóa, Di sản Huế đến với các em học sinh thông qua các buổi học ngoại khóa. Năm 2025 sẽ là cột mốc quan trọng góp phần khẳng định vị thế của Huế là điểm đến di sản hàng đầu trong nước và khu vực, xứng đáng là một “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” vươn mình mạnh mẽ với sức sống của một thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.