Chuyển động Hà Nội

Hà Nội năm 2025: Bảy nhiệm vụ trọng tâm cần vượt qua để bước vào kỷ nguyên vươn mình

Phạm Hoa 14:17 10/01/2025

Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hà Nội Vũ Văn Tuấn cho rằng, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Vũ Văn Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, năm 2024, kinh tế - xã hội Thành phố đã đạt những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

tanggdp.jpg
Tăng trưởng GRDP năm 2024 của Thành phố Hà Nội so với năm trước. (Ảnh: Cục Thống kê TP. Hà Nội).

Cụ thể là GRDP tăng 6,52% vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt 24,7% dự toán và tăng 23,8% so với năm trước. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và chuẩn bị, củng cố các yếu tố tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường cũng như tình hình thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, trái phiếu trong nước có tín hiệu tích cực song vẫn còn khó khăn; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực… tác động trực tiếp đến kinh tế cả nước và Thủ đô Hà Nội.

chi-ngan-sach.jpg
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố và chi ngân sách địa phương năm 2024 so với năm 2023. (Ảnh: Cục Thống kê TP. Hà Nội).

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, ông Vũ Văn Tuấn cho rằng các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, hiệu quả, khả thi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị; tập trung xử lý, giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, không khí, hạ tầng giao thông.

c12.jpg
Để tạo nền tảng cho sự phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển. (Ảnh minh họa).

Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Quan tâm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp; dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích lịch sử.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng hạ tầng khu Công nghiệp. Thu hút đầu tư đối với các dự án mới có quy mô lớn, công nghệ cao, tạo nhân tố mới tiềm năng để sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng trưởng đột phá.

Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa; bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường; tăng cường kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

cover(1).png
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số là một trong những giải pháp để Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. (Ảnh minh họa).

Năm là, các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu... Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Sáu là, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Bám sát khung thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Tiếp tục phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bảy là, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, lao động, việc làm. Quan tâm, chăm sóc chu đáo đối với người có công, đối tượng trợ giúp xã hội, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

Phạm Hoa