Văn hóa - Xã hội

Hà Nội phấn đấu năm 2025 giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động

Quỳnh Chi 21:21 06/01/2025

Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị < 3 % và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 %. Để đạt được mục tiêu kể trên, UBND Thành phố Hà Nội đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động

Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là phát triển thị trường lao động. Tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội. Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

viec-lam34.jpg
"Ngày hội việc làm Thủ đô" thu hút đông đảo người lao động đến ứng tuyển tại nhiều vị trí việc làm. (Ảnh minh họa).

Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường và cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm, dạy nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn Thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thiết lập mạng lưới thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu thị trường lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên.

Thành phố Hà Nội đồng thời nâng cao chất lượng công tác phân tích - dự báo thị trường lao động làm cơ sở cho công tác quản lý, quản trị và điều tiết để chủ động điều chuyển cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế và mục tiêu phát triển của Thành phố; nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhất là những ngành/nghề đang phát triển, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội như: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, Logistics…

Giải pháp thực hiện

Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành công nghiệp như phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững.

Triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính, dịch vụ công, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại và nguồn vốn tín dụng chính sách, thủ tục hoàn thuế, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,... nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

du-lich.jpg
Hà Nội sẽ xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới nhằm phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố. (Ảnh minh họa).

Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong nước và các quốc gia có tiềm năng hợp tác phát triển du lịch. Xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới; tuyến, tour du lịch Hà Nội với các địa phương trong nước và các tuyến, tour du lịch trong Hà Nội.

Thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, phục hồi và phát triển ngành Du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, giá trị cao, tăng chi tiêu của khách du lịch. Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết, kết nối giữa các điểm đến, các địa phương kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm

Đối với nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm; cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm phục vụ các giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động.

Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” theo Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 13/07/2021 của UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, Hà Nội triển khai hiệu quả Kế hoạch 279-KH/TU ngày 29/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề mới, đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ, các nghề trong lĩnh vực y tế, dịch vụ... triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Kiên quyết xử lý các vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế tình trạng lừa đảo nhằm tăng chi phí cho người lao động.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động trên địa bàn Thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khảo sát nhu cầu xuất khẩu lao động, nhu cầu việc làm của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước; rà soát số lao động đang thực hiện hợp đồng làm việc ở nước ngoài, số lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn để tổ chức giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của người lao động...

Hà Nội sẽ hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động; chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.

vay-von.jpg
Giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Tập trung nguồn vốn từ ngân sách Thành phố và ngân sách cấp huyện ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, đồng thời cần có cơ chế linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chính sách xã hội huy động các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn Thủ đô.

Tập trung các nguồn lực Trung ương và địa phương triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội…/.

Dự kiến quý I/2025, Hà Nội sẽ tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm, trong đó: 47 phiên giao dịch việc làm hàng ngày; 3 phiên giao dịch việc làm online; 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề; 2 phiên giao dịch việc làm lưu động. Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội cho vay 978 tỷ đồng, tạo việc làm cho 13.600 lao động và 600 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quỳnh Chi