Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Xây dựng, phát triển các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024

PV 23/12/2024 15:20

Xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội để góp phần thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (BQLKCN&CX Hà Nội) là một trong những đơn vị chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, góp phần hình thành một cộng đồng lao động có tri thức, văn hóa và dựng xây Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 10 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 1.348ha và tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 733 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 9,3 tỷ USD; Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN của TP.Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Điều đó được thể hiện ở các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và đóng góp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong KCN. Các KCN Hà Nội góp phần vào tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh, đổi mới sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh sự đó các KCN Hà Nội đã giải quyết tạo việc làm cho hơn 170 ngàn lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

23.12.jpg
Ngày hội Thể thao Công ty TNHH Denso (KCN Thăng Long).

Thực hiện Chỉ thị của Thành uỷ, Kế hoạch của UBND Thành phố về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Đảng bộ, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện.

Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra: “Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô...”. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy khóa XVII; Kế hoạch số 175-KH/UBND, ngày 27/7/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” ngày 07/1/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 65/2022/QĐ-UBND về việc phê duyệt: Đề án “Thành lập 02-05 KCN mới giai đoạn 2021-2025” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp về rà soát, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thành phố.

23.12-anh.jpg
Hội nghị tuyên truyền Luật BHXH và Công nghiệp văn hoá tại Công ty TNHH Fujikin Việt Nam ( KCN Thăng Long).

Các KCN Hà Nội đã đóng góp tích cực vào quá trình CNH, HĐH và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô, đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, không ngừng phát triển, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách Thành phố trong giai đoạn tới, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; góp phần thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển và bước đầu góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường.

23.13.-anh-kcn.jpg
Các công nhân tiêu biểu Khu CN&CX nhận bằng công nhận sáng kiến tại Hội nghị biểu dương của LĐLĐ thành phố.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển các KCN Hà Nội gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Thành uỷ Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ông Lê Quang Long, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Quản lý chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như sau:

Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong các khu công nghiệp Hà Nội, thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong các khu công nghiệp Hà Nội học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức thực hiện nghiêm quy định pháp luật để đảng viên, người lao động kịp thời nắm vững và thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Để làm được điều đó với đặc thù của các khu công nghiệp Hà Nội thì nội dung giáo dục phải gắn với tình hình thực tiễn của cơ sở doanh nghiệp trong KCN, cụ thể hóa nội dung, quán triệt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Công đoàn vào tình hình và nhiệm vụ của cơ sở. Giáo dục chính trị phải gắn với nhiệm vụ sản xuất và công tác. Chú trọng cả về chính trị và hiệu quả kinh tế, khắc phục biểu hiện chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, coi nhẹ hiệu quả chính trị, xã hội, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh cho người lao động.

Thứ hai là nâng cao năng lực của các tổ chức chính trị - xã hội trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cấp ủy các cấp chỉ đạo ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện chương trình công tác bảo đảm theo đúng Quy chế, quy định, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Việc quán triệt phải được tiến hành nghiêm túc đến với mọi đối tượng; làm rõ ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, cùng nguyên tắc của việc đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển, đảng viên, đoàn viên, song song với việc củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cơ sở trong các KCN; tích cực tham gia xây dựng hệ thống Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp KCN. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng, công đoàn cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở về bản lĩnh, trình độ chính trị, hiểu biết chính sách, pháp luật lao động và kỹ năng công tác, từng bước nâng cao vai trò của Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân KCN qua các lớp học tập trung, hội nghị, hội thảo, tập huấn; tuyên truyền qua hệ thống thông tin nội bộ; bảng thông tin điện tử của Ban Quản lý, trong các KCN, khu nhà trọ v.v…

Ba là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết. Chủ động và quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng theo chương trình, kế hoạch để mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng đều được kiểm tra, giám sát từ khâu xây dựng ban hành, quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện. Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, bảo đảm chủ động, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo điều lệ, quy định. Có báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo cụ thể phải có hướng dẫn đề cương viết báo cáo (để thống nhất chung trong toàn Đảng bộ). Thông qua việc kiểm tra kết hợp hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng triển khai các nhiệm vụ xây dựng Đảng. Giúp tổ chức đảng nắm bắt, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.

Bốn là tăng cường tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; luôn gương mẫu, đầu tàu, trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước.

Năm là đẩy mạnh xây dựng, phát triển các KCN trên địa bàn thành phố, cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện. Phát huy tốt vai trò đầu mối quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, đồng hành và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KCN, lựa chọn ngành nghề có hàm lượng đầu tư cao, công nghệ hiện đại, phát huy tiềm năng của Hà Nội (giao thông, nguồn nhân lực ...);

Sáu là rà soát đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các KCN nhằm giải quyết và đáp ứng nhu cầu về nhà ở, công trình văn hóa, xã hội, thể thao cho người lao động làm việc tại Khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch các KCN./.

PV