Đời sống văn hóa

Tạo “vườn ươm” khích lệ tài năng trẻ

Khánh Thư 14:11 23/12/2024

Một trong số những giải pháp để phát huy thế mạnh của các tài năng trẻ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chính là khâu đào tạo. Ở nước ta, việc đào tạo tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói chung, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp, cơ chế thiết thực nhằm tạo “vườn ươm” khích lệ tài năng.

Khoảng trống trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật

Theo số liệu của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022 số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%.

anh-thay-trang-36.jpg

Thiếu diễn viên trẻ kế nghiệp là điều đáng lo ngại đối với nghệ thuật biểu diễn - ngành nghệ thuật lấy diễn viên làm trung tâm. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân sự thiếu vắng này bắt nguồn ngay từ khâu tuyển sinh cho tới quá trình đào tạo. Cả nước hiện có 56 cơ sở đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có 26 cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành chuyên sâu đặc thù; có 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn liên quan đến nghệ thuật, trong đó có 43 cơ sở có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật.

Thực tế tuyển sinh ở các trường văn hóa nghệ thuật cho thấy các tài năng của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang các ngành nghề khác. Ngay cả những “con nhà nòi” cũng không mặn mà với con đường mà cha mẹ họ từng gắn bó. Cũng bởi thế, nghệ thuật sân khấu đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn lực diễn viên trẻ kịch hát dân tộc.

Là người đã có nhiều năm tham gia công tác đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, GS.TS Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định chất lượng đầu vào của nhiều trường nghệ thuật gần đây không cao và hiếm thấy có khuôn mặt nào nổi bật ở những ngành cần có năng khiếu như diễn viên (sân khấu, điện ảnh, múa...). Quan sát cách thức tổ chức tuyển sinh của các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật thời gian gần đây, bà Phương băn khoăn với câu hỏi: “Phải chăng các trường văn hóa nghệ thuật đang “bỏ rơi”, “bỏ sót” ở đâu đó các em có năng khiếu, hoặc hứa hẹn trở thành tài năng, mà vì nhiều lý do các em không có thông tin, hoặc không có điều kiện để dự tuyển?”.

Đấy là khâu “đầu vào”, còn thực tế tài năng trẻ ở các đơn vị nghệ thuật ra sao? Bà Trương Thị Huyền - Tạp chí Sân khấu dẫn chứng: Để có lực lượng kế cận, cứ đến kỳ, Nhà hát Chèo Việt Nam phải đầu tư vài chục nhân sự tỏa đi các tỉnh thành để tuyển chọn những giọng ca mới cho nghệ thuật chèo ở các vùng quê. Nhà hát Cải lương Việt Nam có đợt tuyển sinh cũng cử người đi suốt ba tháng trời mà không tuyển được học viên nào bởi không ai muốn theo nghề này cả. Tương tự, không có chuyện bạn trẻ nào ôm mộng trở thành diễn viên tuồng, chờ đến mùa tuyển sinh để khăn gói đến khoa Kịch hát dân tộc dự thi mong toại nguyện ước mơ được tỏa sáng trên sàn diễn. Trong suốt nhiều năm, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không thể tuyển sinh được lớp diễn viên tuồng. Nhà hát Tuồng Việt Nam, đơn vị hiếm hoi của làng Tuồng miền Bắc cũng trong tình cảnh “tre” đang già đã phải cất công đi tìm “măng” để giữ gìn một trong những loại hình sân khấu dân tộc lâu đời nhất.

Câu chuyện “trắng tay” trong tuyển sinh diễn viên, đặc biệt là thi tuyển diễn viên các ngành truyền thống như chèo, tuồng, cải lương dường như không mấy xa lạ ở các trường đào tạo về nghệ thuật. Không riêng gì tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, ở một số trường khác như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự, các chuyên ngành đặc thù như kèn, gõ, nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc đều thưa vắng người học.

Chắp cánh cho tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật

Tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật trẻ có một vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, họ còn giữ vai trò xung kích, tiên phong trong việc tiếp thu, đánh giá, sáng tạo các xu hướng, các giá trị văn hóa nghệ thuật mới.

tai-nang-tre-van-hoa-nghe-thuat-co-vai-tro-het-suc-quan-trong-trong-viec-ke-thua-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong..jpg
Tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều năm trở lại đây, việc thu hút và sử dụng nguồn tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật đã được chú trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ: “Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ”. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021 đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý, một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được triển khai. Theo đó, các sinh viên theo học sân khấu truyền thống được miễn giảm học phí, chế độ bồi dưỡng nghề và hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp...

Tuy nhiên, theo nhà lý luận, phê bình sân khấu Cao Xuân Ngọc, “chính sách ưu tiên, ưu đãi cho những ngành nghệ thuật đặc thù là rất cần thiết nhưng chưa đủ. Với sự thay đổi về thị hiếu khán giả hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã và đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục phát triển, biểu diễn, có đời sống nghệ thuật bình thường. Muốn thu hút nhân tài tới với ngành, cần thực hiện đồng bộ rất nhiều biện pháp, có thêm nhiều chính sách tốt hơn nữa để chấn hưng nghệ thuật truyền thống, để các tác phẩm sân khấu truyền thống hấp dẫn người xem, đời sống nghệ sĩ được đảm bảo, vị thế của ngành sân khấu truyền thống được nâng cao trong xã hội hiện đại…”.

Đề cập tới những chính sách đào tạo cho nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần hợp tác với các học viện nghệ thuật, các trường đại học, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu của nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ. Các chương trình này có thể bao gồm khóa học về kỹ thuật, lý thuyết nghệ thuật, quản lý nghệ thuật, và các xu hướng nghệ thuật mới nhất. Việc đầu tư vào đào tạo nghệ sĩ trẻ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành văn hóa nghệ thuật.

Về phía các cơ sở đào tạo cũng cần đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đồng thời tăng cường đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có độ dày về kinh nghiệm và độ chín về chuyên môn. Tại các nhà hát truyền thống, Nhà nước cũng cần có các chính sách trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, tìm kiếm đội ngũ nghệ sĩ trẻ…
Theo PGS. TS Phạm Minh Phong - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, việc phát triển, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật của giới trẻ cần có sự quan tâm, hỗ trợ toàn diện của gia đình, nhà trường và xã hội. “Thông qua sự chăm sóc của gia đình, giáo dục ở trường và tham gia xã hội, thanh thiếu niên có thể phát triển và thể hiện đầy đủ tài năng nghệ thuật của mình. Đồng thời, sự nỗ lực, kiên trì của cá nhân các bạn trẻ cũng là điều không thể thiếu. Chỉ với sự rèn luyện và nỗ lực toàn diện như vậy, tài năng nghệ thuật của người trẻ mới thực sự được khai thác và phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của các em - nền tảng đại diện văn hóa, nghệ thuật của đất nước trong thời đại mới và trong xu thế hội nhập quốc tế”, PGS. TS Phạm Minh Phong nhấn mạnh.

Có thể nói, việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật mang tính đặc thù cao. Dù rằng hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật được quan tâm; hệ thống cơ sở đào tạo, ngành đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật sẽ tạo nên những điểm tựa cho các tài năng trẻ, góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra./.

Khánh Thư