Chính sách & Quản lý

Tạm dừng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024

Quỳnh Chi 07:21 20/12/2024

Thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa cho biết, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận tạm dừng tổ chức như kế hoạch (từ ngày 20 – 22/12/2024).

Theo bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL vừa có công văn gửi các Ban, Bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh về việc tạm dừng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận.

kate-cham.jpg
Đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận vui hội Katê, tháng 10/2024.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, cho biết, ngày 18/3/2024, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 653/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ trì, phối hợp với các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, huy động lực lượng diễn viên, nghệ nhân, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm tích cực tập luyện, chuẩn bị cho Ngày hội.

“Tuy nhiên, do tình hình thực tế tại địa phương, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại Công văn số 5846/UBND-VXNV ngày 11/12/2024, Bộ VH-TT&DL thống nhất và quyết định dừng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 (thời gian từ ngày 20 đến ngày 22/12). Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày hội vào thời điểm thích hợp. Bộ VH-TT&DL thông báo và trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội chỉ đạo cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết chế độ tài chính cho các công việc đã triển khai trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia Ngày hội theo quy định”, bà Trịnh Thị Thủy, thông tin thêm.

Được biết, trong văn bản UBND tỉnh Ninh Thuận gửi Bộ VH-TT&DL vừa qua, quá trình triển khai thực hiện thủ tục đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ lắp đặt trang thiết bị, hệ thống âm thanh, ánh sáng và thực hiện chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, Sở VH-TT&DL Ninh Thuận cùng đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu đã để xảy ra một số sai sót. Do đó ngày 5/12/2024, Sở VH&TT Ninh Thuận đã có quyết định hủy gói thầu nêu trên. Việc tổ chức đấu thầu lại cần phải có nhiều thời gian thông báo hồ sơ mời thầu qua mạng, đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Mặt khác, đơn vị trúng thầu cũng cần có thời gian dàn dựng chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc, lắp đặt sân khấu, thiết bị âm thanh, ánh sáng.

Bên cạnh đó, công tác vận động xã hội hóa kinh phí tổ chức sự kiện gặp nhiều khó khăn; thông tin từ các tỉnh tham gia Ngày hội cho biết cũng gặp khó khăn trong huy động đội ngũ tham gia biểu diễn tại sự kiện, vì đang tập trung phục vụ hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận được điều chỉnh thời gian tổ chức trong quý 1/2025.

van-hoa-cham-9.jpg
Các thiếu nữ dân tộc Chăm biểu diễn múa dân gian trong ngày hội Katê.

Trước đó, theo Kế hoạch, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kì hội nhập và phát triển đất nước”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị để bà con dân tộc Chăm giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình, dự kiến có gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên là đồng bào Chăm từ 9 tỉnh, thành phố tham gia, đại diện cho gần 180.000 đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước.

Ngày hội cũng là cơ hội để quảng bá những nét văn hóa đặc thù của Ninh Thuận, thế mạnh về danh thắng, tạo cơ hội thuận lợi để công chúng và du khách tham gia vào bất cứ thời điểm nào khi đến địa phương. Thông qua Ngày hội, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm như nghệ thuật múa, âm nhạc, kiến trúc, nghề truyền thống, nhạc cụ, các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống tháp Chăm,… tới công chúng, đồng thời khẳng định những đóng góp vô cùng quan trọng của giá trị di sản văn hóa Chăm với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

cham-bau-truc.jpg
Du khách tìm hiểu cách nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) làm sản phẩm. (Ảnh: Thảo Nguyên).

Trong 3 ngày tổ chức, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI có các hoạt động văn hóa thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm như trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế - xã hội, ẩm thực truyền thống các địa phương; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm. Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.

Bên cạnh đó, Ngày hội dự kiến có các hoạt động Thể dục thể thao truyền thống: thi đấu các môn kéo co, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, đội nước... và có cả các gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, ẩm thực, sản phẩm du lịch đến người dân, du khách tham gia Ngày hội./.

Quỳnh Chi