Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Nhiều hoạt động sôi nổi và hiệu quả trong năm 2024
Sáng 19/12, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 với sự tham gia của đông đảo các hội viên.
Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động của Hội trong năm 2024, PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định, nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ban Chấp hành và toàn thể hội viên trong năm qua Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần vào thành tựu chung của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.
Điểm nhấn trong hoạt động của Hội là tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên đề và tổ chức các chuyến đi khảo sát thực tế nhằm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Cụ thể, trong năm qua Hội đã tổ chức được 7 cuộc tọa đàm về các chủ đề: “Nghệ thuật ca trù qua thời gian – ngàn năm sênh phách” (NSND Việt Hương trình bày); “Văn hóa cắm hoa và làm hoa lụa của người Hà Nội” (NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng và NNND Mai Hạnh trình bày); “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội – truyền thống và đương đại” (nghệ nhân – họa sĩ Vũ Hy Thiều trình bày); “Văn hoá áo dài Hà Nội: truyền thống và biến đổi” (nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình trình bày); “Năm rồng nói chuyện rồng” (PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo trình bày); “Trang phục trong diễn xướng hầu đồng” (thanh đồng Nguyễn Đức Hiển trình bày); “Hò cửa đình và hát múa bài bông trong cộng đồng văn hóa dân gian” (đạo diễn Đường Minh Giang trình bày). Các buổi tọa đàm có chất lượng khoa học cao, thu hút được sự chú ý, quan tâm của các hội viên, qua đó nêu bật được kiến thức liên ngành trong nghiên cứu văn hóa dân gian của các hội viên.
Đặc biệt cuộc hội thảo “Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) với văn hóa, văn nghệ dân gian Thăng Long - Hà Nội” được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Quốc Vượng là một sự kiện rất ý nghĩa. Không chỉ đánh giá các đóng góp khoa học của cố Giáo sư cho nghiên cứu văn hóa dân gian Thăng Long – Hà Nội, hội thảo như một sự tri ân những đóng góp và tình cảm của cố Giáo sư dành cho Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cũng như văn hóa, văn nghệ dân gian Hà Nội nói riêng và văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung.
Về hoạt động khảo sát thực tế sưu tầm văn hóa dân gian, trong năm 2024, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức một số chuyến đi đến những vùng, miền nổi tiếng về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng như Quảng Bình, Trà Vinh. Các đợt khảo sát thực tế đã làm phong phú hơn những kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội cho từng hội viên, phục vụ tốt trong công tác chuyên môn của Hội.
Hoạt động nghiên cứu cũng được các hội viên đẩy mạnh thông qua các bài viết, bài thuyết trình, những chia sẻ trao đổi trên các báo, tạp chí chuyên ngành, các chương trình truyền hình, hội thảo khoa học. Trong đó tiêu biểu là các hội viên: PGS.TS Trần Thị An, PGS.TS Bùi Xuân Đính, PGS.TS Trình Năng Chung, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, GS.TS Trịnh Sinh, GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Nguyễn Thị Huế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, PGS.TS Nguyễn Quang Miên, TS.NSƯT Lê Thị Bạch Vân, NSND Lê Thị Việt Hương, NSND Nguyễn Hà Bắc.
Đáng chú ý, trong số 26 tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội vinh dự 2 tác phẩm đoạt giải là Các nhà khoa bảng Sơn Tây (Sưu tầm, khảo cứu của PGS.TS Bùi Xuân Đính và GS.TS Đinh Khắc Thuân) Làng cổ Triều Khúc (Sưu tầm, nghiên cứu của tác giả Giang Nguyên Bồi).
Công tác phát triển hội viên và các câu lạc bộ trực thuộc được Ban Chấp hành Hội đặc biệt chú ý và quan tâm. Trong năm 2024 việc phát triển hội viên của Hội đã được triển khai đồng bộ, tích cực, chất lượng và hiệu quả. 11 câu lạc bộ trực thuộc Hội bao gồm CLB Văn nghệ sĩ Xứ Đoài, CLB Nghệ nhân văn hóa dân gian, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Múa bồng Triều Khúc, CLB Chèo tàu Đan Phượng, CLB Nghệ thuật Sao Mai, CLB Nghệ thuật Hướng Dương, CLB Sáo diều Thanh Oai, CLB Thả diều Hồng Hà Đan Phượng, CLB Dân ca Mọc Quan Nhân, CLB Nghệ thuật truyền thống Trường Xuân cũng hoạt động sôi nổi, tham gia tích cực vào phong trào chung của Hội.
Nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời tăng cường hơn nữa hiệu quả các hoạt động chuyên môn, BCH Hội cũng đã đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2025 với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể như: Tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn cũng như công việc xã hội của Hội Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội và những sự kiện hay hoạt động của Thành ủy, UBND thành phố tổ chức; Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Hội những người trẻ có năng lực, triển vọng nhằm trẻ hóa mạnh mẽ Hội; Phối hợp với các ngành, các địa phương để tổ chức cho hội viên đi thực tế sưu tầm, điền dã, nghiên cứu, phát hiện những giá trị văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống còn đang tiềm ẩn trong đời sống người dân Thủ đô Hà Nội và quanh vùng; Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành Hội, duy trì, nâng cao sinh hoạt định kỳ, tăng cường các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để đông đảo các hội viên tham gia.
“BCH Hội dự kiến sẽ đưa các Câu lạc bộ trực thuộc Hội tham gia tích cực vào đời sống văn hóa văn nghệ dân gian của Thủ đô, hàng năm duy trì tổ chức luân phiên các buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ trực thuộc với nhau (kinh phí hoạt động này sẽ được huy động thông qua công tác xã hội hóa). Bên cạnh đó, Hội cũng xem xét kết nạp thêm những Câu lạc bộ đủ tiêu chuẩn vào Hội bảo trợ về mặt chuyên môn để họ kế tục giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa của cha ông và truyền dạy lại cho đời sau”, PGS.TS Trần Thị An cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị, NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của BCH và hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội trong năm qua đặc biệt là trong hoạt động hội thảo, tọa đàm. Chủ tịch Hội Liên hiệp bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Hội tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, chuyên đi thực tế sáng tác, phát triển các CLB qua đó góp phần vào sự phát triển của Hội Liên hiệp.
Tại hội nghị tổng kết, đại diện BCH Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cũng đã trao quyết định kết nạp cho 19 hội viên mới./.