Chuyển động Hà Nội

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long Quận Hoàn Kiếm

Thanh Phương 09:51 19/12/2024

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm đã được UBND Thành phố Hà Nội bổ sung vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Hoàn Kiếm tại Quyết định số 3856/QĐ-UBND; diện tích 0,02995ha (diện tích thu hồi 0,00616ha), tiến độ 2023-2025.

Di tích 5D Hàm Long là nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, với 8 thành viên, trong đó có các đồng chí Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc. Ghi dấu mốc quan trọng đối với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam nói chung.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Sở Văn hóa thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ủy ban hành chính Thành phố đã phục hồi di tích trên thành nhà lưu niệm và khánh thành ngày 06/01/1960. Di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng theo Quyết định số 29 VH/QĐ ngày 13/1/1964.

Hiện nay Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đang trực tiếp quản lý di tích này theo Quyết định số 10/QĐ-SVHTTDL ngày 23/02/2012 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).

z6099398761935_a7f92fc51823a243eafc52782814de48.jpg
Di tích 5D Hàm Long là nơi thành lập “Nhóm Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3 năm 1929”.

Di tích này gồm 4 gian liền nhau (A, B, C, D) của cùng một chủ hộ là ông Nguyễn Huy Mẫn và cho thuê từ năm 1929. Từ ngày 01/01/1961, ông Nguyễn Huy Mẫn đã kê khai giao cho Nhà nước quản lý. Trong đó, căn phòng số 5D đang sử dụng làm di tích, các căn phòng số 5B, 5C là nơi làm việc của Bảo tàng Hà Nội (Hiện tại, các phòng 5B, 5C là phòng truyền thống và trưng bày bổ sung do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội quản lý).

Để giữ nguyên hiện trạng của khu lưu niệm 5D Hàm Long, UBND Thành phố Hà Nội và một số Sở, ngành Thành phố đã bố trí 01 địa điểm tại khu tập thể Thành Công (năm 1977) hoặc chấp thuận mức đền bù, hỗ trợ là 75.000.000 đồng (năm 1993) để gia đình ông Lân có nơi ở mới (hoặc có điều kiện mua nhà ở trong Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng gia đình ông Lân đều từ chối.

Theo các Quyết định số 4544/QĐ-UB ngày 23/12/1995 và Quyết định số 1181/QĐ-UB ngày 04/4/1996, UBND Thành phố Hà Nội đã cho phép Sở Nhà đất sử dụng 1 căn hộ số 18 – tầng 2 nhà B6B Thành Công có diện tích sử dụng 24,9m2 để di chuyển hộ ông Nguyễn Đức Lân đang ở tại 5A Hàm Long, quận Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, gia đình ông Lân không chấp hành, đã gửi khiếu nại và đề nghị bố trí nhà ở với các tiêu chuẩn cao hơn.

z6099399267510_6e9ff5ad62c5a77a0d86a8af263aa70b.jpg
Toàn bộ nhà số 5 Hàm Long (gồm các biển số A, B, C, D) hiện trạng xuống cấp, mái dột, tường nứt vỡ, bong tróc nhiều.

Ngày 26/7/1996, Thanh tra Thành phố Hà Nội ban hành Kết luận Thanh tra giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Đức Lân số 466/TTHN kết luận các nội dung khiếu nại của ông Lân là sai, đồng thời việc ông Lân tự ý cho thuê nhà, thu tiền nhà hàng tháng là vi phạm chế độ hợp đồng và vi phạm pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Nhà 5A hiện nay vẫn do gia đình ông Nguyễn Đức Lân chiếm dụng nhiều năm.

Theo nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND Thành phố dự án tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, góp phần nâng cao giá trị của Di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ được khách tham quan du lịch, giáo dục truyền thống uống nước, nhớ nguồn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Việc tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long là một nhiệm vụ phải triển khai ngay. Chính sách bồi thường đối với hộ dân thuộc dự án mong được UBND Thành phố chấp thuận theo đề xuất của Liên ngành Thành phố, làm cơ sở để UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt phương án BTHTTĐC theo quy định. Đối với hộ dân trong diện phải di chuyển nắm rõ thông tin dự án và phối hợp thực hiện theo đúng quy định pháp luật./.

Thanh Phương