Một tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề và hết lòng vì học sinh
Năng động, sáng tạo, luôn hết mình với công việc là những điều mà các thế hệ học sinh, phụ huynh và tập thể giáo viên nhà trường nói về nhà giáo Lê Thị Thu Hường, Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội).
Cô giáo Lê Thị Thu Hường là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý. Những năm qua, cô đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.
Được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại Hà Nội, lại thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Đảng, nên ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã ước mơ trở thành cô giáo và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Nửa cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ đến nay trở thành một cán bộ quản lý giỏi là cả quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của cô.
Giữ cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm Chủ tịch Công đoàn, nên cô Hường luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Cô đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt, cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường.
Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong những năm qua công tác quản lý của trường luôn được đổi mới, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn… để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Công tác chuyên môn, chất lượng dạy và học luôn được cô quan tâm ưu tiên hàng đầu. Nhất là với Chương trình GDPT 2018, cô luôn sát sao, chỉ đạo kịp thời để các tổ nhóm chuyên môn đưa ra phương pháp dạy học tốt nhất. Cách làm việc đầy sáng tạo của cô là luôn huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Vì vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, cô đã cùng Ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ giáo viên, học sinh.
Cô Hường luôn tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khuyến khích giáo viên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy.
Không chỉ vậy, khi còn là giáo viên đứng lớp chủ nhiệm, cũng chính từ tình thương học trò, nên mỗi đầu năm học, cô đều tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng học sinh, tính cách và khả năng học của từng em. Với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô ân cần bảo ban, chỉ cần vắng 1 buổi học, giáo viên chủ nhiệm sẽ đến nhà để tìm hiểu nguyên nhân. Đối với những học sinh giỏi, cô luôn động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có thể theo đuổi ước mơ của mình. Ngọn lửa đam mê, lòng yêu nghề cùng kinh nghiệm giảng dạy đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực trong cô.
Cô Hường tâm niệm, nghề trồng người đòi hỏi nhà giáo phải nêu cao chữ "nhân" và "tâm", phải có cái tâm trong sáng, lòng nhân ái sâu sắc, bao dung, độ lượng. Hàng năm, cô đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hàng chục triệu đồng giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học nhân dịp năm học mới và tặng quà dịp lễ, tết... giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Bằng những kiến thức và kinh nghiệm trong công tác quản lý, cô tích cực và chủ động phối hợp tốt với địa phương, các cấp quản lý, các tổ chức đoàn thể trong công tác xã hội hoá giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng nhà trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục có những bước chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành được tổ chức tiến hành đạt kết quả tốt. Tỉ lệ học sinh đạt tốt nghiệp trong những năm gần đây ổn định và tăng lên qua từng năm học.
Tấm gương của cô giáo Lê Thị Thu Hường đã lan toả tích cực đến các em học sinh, tài năng và nhân cách của cô là động lực to lớn để lan tỏa đến tập thể đội ngũ cán bộ giáo viên trường THCS Phú Lương, là nhân tố tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên giáo viên học sinh toàn trường noi theo.
Gần 30 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô Hường chia sẻ: "Mỗi một người giáo viên phải luôn có trong mình tình yêu đối với nghề, với trẻ. Tràn đầy nhiệt huyết khi làm việc, có tâm, có trách nhiệm với công việc. Luôn dân chủ, minh bạch trong xử lý công việc theo nguyên tắc "thấu tình đạt lý". Ngoài các nỗ lực cá nhân, tôi luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương, phụ huynh học sinh đặc biệt là các đồng nghiệp trong cơ quan đã giúp tôi có thêm nghị lực trong tổng hòa sự thành công ấy".
Với những thành tích đáng tự hào như: chiến sỹ thi đua cấp cơ sở từ năm 2014 đến nay, giấy khen khi có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận và Thành phố năm học 2014-2015 đã thay cho lời khẳng định về một tấm gương nhà giáo luôn tận tâm với nghề và hết lòng vì các em học sinh thân yêu.
Nhà giáo Lại Minh Huấn - Hiệu trưởng trường THCS Phú Lương tự hào kể về đồng nghiệp của mình, “Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của nhà trường, các thế hệ học sinh, phụ huynh đều ngưỡng mộ cô giáo Lê Thị Thu Hường - nhà giáo tâm huyết với chuyên môn, đồng thời sáng tạo trong mọi hoạt động, góp phần xây dựng ngôi trường hạnh phúc-học sinh tích cực”.
Khi trao đổi với tôi, nhiều giáo viên, nhân viên trường THCS Phú Lương đều có những đánh giá, khen ngợi về cô giáo Lê Thị Thu Hường. Ai cũng biết với chừng ấy công việc được phân công và đảm nhận thì rõ ràng ngoài sự cố gắng của một nhà giáo - một đảng viên ra còn là một tấm gương luôn tận tụy với nghề, với công việc.
Ngành Giáo dục rất cần những tấm gương sáng- những người thầy cô giáo tận tụy, trách nhiệm với công việc để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của ngành, nhất là khi Chương trình GDPT mới được áp dụng trong những năm tới đây.
Vì vậy, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng, ham học hỏi, mẫu mực trước đồng nghiệp, học trò là điều rất cần thiết. Và, cô giáo Lê Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Phú Lương là một con người như thế./.